22 sân bay Việt bằng 1 sân bay Thái, Nội Bài, Sài Gòn, Đà Nẵng quá tải

22 sân bay Việt bằng 1 sân bay Thái, Nội Bài, Sài Gòn, Đà Nẵng quá tải
Thừa nhận hạ tầng sân bay quá tải, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam còn nhận xét “cứ gỡ nút thắt này lại nảy sinh nút thắt khác”, khiến không chỉ hàng không mà cả ngành du lịch cũng bị vạ lây.

Không muốn tăng chuyến vì quá tải sân bay

Thực trạng hạ tầng sân bay quá tải gần đây liên tục được đề cập, bàn luận. Tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần thứ hai, sáng 9/12, chủ đề này tiếp tục được mổ xẻ tại phiên thảo luận chuyên đề “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh du lịch”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay, giai đoạn 2015-2018, du lịch Việt Nam tăng trưởng gấp đôi, từ 7,5 lên 15 triệu lượt khách. 11 tháng đầu năm, chúng ta đón trên 16,5 triệu khách du lịch, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và 34% so với tháng 10. Trong đó, 80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không.

Khách chen chúc làm thủ tục tại sân bay

Song, ông Khánh nhận xét, ngành du lịch đang gặp bất lợi khi hạ tầng sân bay quá tải, đặc biệt là các sân bay trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... khiến nhiều chuyến bay từ thị trường nguồn bị ảnh hưởng do có thời điểm cơ sở hạ tầng chưa được đáp ứng được.

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, cho rằng "hạ tầng quá tải là đương nhiên". Ông dẫn chứng, Việt Nam có 22 sân bay, tổng công suất khoảng trên 90 triệu khách/năm, nhưng con số này mới ngang bằng 1 sân bay của Singapore là Changi, bằng 1 sân bay ở Bangkok, Thái Lan là Suvarnabhumi và bằng 1 sân bay quốc tế ở Malaysia là Kuala Lampur...

Hạ tầng sân bay quá tải gây hệ lụy chính cho các hãng hàng không, kéo theo tác động không nhỏ tới ngành du lịch.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, kể câu chuyện, năm 2006 khi các hãng hàng không mới đưa khách đến Đà Nẵng, nhiều ý kiến lo ngại không biết khách du lịch đến đây ăn gì, chơi gì. Đến nay, hạ tầng du lịch phát triển, khách du lịch tới Đà Nẵng đạt những con số kỷ lục, song lại gặp vấn đề về tắc nghẽn sân bay. Thậm chí mới đây, Đà Nẵng còn muốn không tăng chuyến bay thời điểm từ 16h-2h sáng vì quá tải ở sân bay.

Hay đường bay Hà Nội - TP.HCM, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết các tổ chức quốc tế nhận xét chặng bay này đông thứ 2, thứ 3 thế giới, số ghế cung ứng lên tới 210.000 ghế. Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn khiến chất lượng dịch vụ (chỉ số đúng giờ) cũng bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không cũng buộc phải điều chỉnh lịch bay, từ 2 tiếng phải đổi thành 2 tiếng 15 phút dự phòng chờ tại đầu sân bay.

Chưa kể, tắc nghẽn không riêng tại khu bay, mà đường tiếp cận vào sân bay cũng quá tải. Do đó, theo ông Võ Huy Cường, việc phát triển và mở rộng sân bay vệ tinh là cần thiết, song tồn tại hiện nay là chính sách còn khiếm khuyết, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

"Cần có chính sách đồng bộ nếu muốn gỡ nút thắt hàng không. Hệ thống cảng hàng không sân bay nếu vài năm tới không gỡ được sẽ càng tắc hơn, ảnh hưởng không chỉ ngành hàng không mà cả du lịch", ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Cường cũng khuyến cáo, kể cả khi gỡ những nút thắt này lại nảy sinh những nút mới. Ông dẫn chứng, năm 2007 mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó lại tắc, đặt ra yêu cầu 2015 phải có sân bay Long Thành để “cứu” Tân Sơn Nhất, nhưng sân bay Long Thành đến 2025 chưa chắc đã xây xong. Hay, năm 2007, đề nghị mở rộng sân bay Cam Ranh thì vừa đầu tư PPP (hợp tác công - tư) xây dựng nhà ga mới nay đã quá tải,... Tình trạng trên diễn ra tương tự tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc,...

Quá tải, máy bay phải xếp hàng chờ bay

Nên khai thác dân sự một số dân bay quốc phòng

Nói về điểm nghẽn hạ tầng hàng không, ông Chu Việt Cường, thành viên HĐQT Công ty CP hàng không Vietjet, cho rằng, cần thích ứng và có thái độ tích cực với các “nút thắt” này, bởi đó chính là cơ hội để phát triển, và có phát triển thì mới có các nút thắt mới.

Đồng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, phải tháo gỡ các nút thắt trên, tháo gỡ để phát triển. Trong đó có việc xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay.

Tháng 6/2018, Hội đồng tư vấn du lịch đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hạ tầng sân bay, biến chính sách thành hành động thực tế, bởi 10 năm nay tình trạng này không được cải thiện là bao.

Ông Nam ví dụ, nhà ga T3 được đề nghị xây sớm, giải cứu cho sân bay Tân Sơn Nhất từ 4-5 năm nay nhưng loay hoay mãi, giờ vẫn chưa được động thổ. “Nếu mạnh dạn giao cho tư nhân, nhà ga này đã đi vào hoạt động từ lâu”, ông Nam nói. Hay siêu dự án sân bay Long Thành, 4 năm trước, chủ trương phát triển theo hình thức PPP đã được Quốc hội thông qua, nhưng đến nay vẫn không có tư nhân, không có vốn nước ngoài,...

“Nên xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay như kêu gọi vốn ngoại, vốn tư nhân, quỹ nước ngoài,... tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng”, ông Chu Việt Cường kiến nghị. Hiện nhiều quốc gia  Australia, Anh, Mỹ,... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.

Ngoài ra, để gỡ điểm nghẽn hạ tầng hàng không, ông Stefano Bortoli - CEO ATR góp ý, nên tối ưu công suất nhàn rỗi của các sân bay nhỏ bằng cách sử dụng các máy bay ATR nhỏ.

Ủng hộ quan điểm này, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường lưu ý Việt Nam cần khai thác hiệu quả nhất cơ sở hạ tầng hiện có. Chẳng hạn, cần tránh bay tới 4 sân bay quốc tế có dấu hiệu quá tải, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

"Do bay Cam Ranh khó khăn, các hãng hàng không Trung Quốc, Nga,... bắt đầu bay đến Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn,... Đây là tín hiệu đáng mừng", ông Cường nói. Ông Lê Hồng Hà cũng góp ý, nếu sân bay Đà Nẵng tắc nghẽn có thể thay thế bằng sân bay Huế, hoặc bay Cần Thơ thay vì phải bay tới Tân Sơn Nhất vốn đã quá tải,... Hoặc, khai thác tốt những sân bay có đèn đêm như Đồng Hới, Phú Bài, Vân Đồn... Đây cũng là những sân bay đáp ứng được các tàu bay như ATR, A320, 321.

Như vậy, việc sử dụng sân bay khác thay thế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hàng không với các công ty du lịch, đồng thời đòi hỏi các hãng lữ hành cần định hướng cho khách tới các vùng miền, điểm đến mới.

Thậm chí, theo ông Lương Hoài Nam, có thể khai thác dân sự một số dân bay quốc phòng, như sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) mới đây đã xử lý xong vấn đề dioxin, hoặc sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) để giảm tải cho sân bay quốc tế Cam Ranh, giống như Thái Lan cho phép sử dụng sân bay quân sự Pattaya để đón khách.

Ngọc Hà

Tags: Hạ Tầng Sân Bay Quá Tải Cục Hàng Không Hàng Không