Kinh doanh xăng dầu sẽ có "diện mạo" mới

Kinh doanh xăng dầu sẽ có "diện mạo" mới
Sau hơn 5 năm Nghị định 83/2014/NĐ-CP (NĐ 83) về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các DN, đơn vị liên quan để sửa đổi. Dự kiến, cách tính giá cơ sở xăng dầu, cơ chế điều hành giá xăng dầu, quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu... là những nội dung nổi bật sẽ được sửa đổi trong NĐ 83.

Khi sửa đổi NĐ 83, quan điểm vẫn là duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu . Ảnh: Nguyễn Thanh.

Hàng loạt điểm mới 

Nói về vấn đề sửa đổi NĐ 83, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Một trong những nội dung sửa đổi điển hình lần này là quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu. Qua rà soát cũng như ý kiến kiến nghị của một số địa phương, DN, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy còn một số nội dung cần đề xuất phương án sửa đổi như: Các điều kiện về đơn vị cho thuê kho, cầu cảng; quy định về sở hữu, đồng sở hữu cửa hàng xăng dầu; quyền mua bán xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu; quy định về phòng thử nghiệm… Những nội dung này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước do chưa rõ ràng hoặc chưa thống nhất, đồng thời gây khó khăn DN kinh doanh xăng dầu trong việc đáp ứng các điều kiện hoặc có những yêu cầu gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, theo ông Đông, cơ chế phối hợp giữa 2 Bộ Công Thương-Tài chính theo hình thức ban hành thông tư liên tịch như hiện nay chưa đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, việc phân công nhiệm vụ và cơ chế phối hợp liên Bộ giữa hai Bộ sẽ được rà soát trên cơ sở các nội dung quy định tại các Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC và Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT để đưa vào quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung NĐ 83, đồng thời bố cục lại các chương, mục cho phù hợp.

Về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, ông Đông phân tích: Tại thời điểm xây dựng NĐ 83, cơ cấu về nguồn chủ yếu là xăng dầu NK (khoảng 70%). Việc xây dựng công thức tính giá cơ sở xăng dầu được hình thành trên các yếu tố chi phí tương ứng với nguồn NK là phù hợp. Tuy nhiên đến nay, với sự thay đổi về cơ cấu nguồn cung (sản xuất trong nước chiếm 70-75%); số lượng DN đầu mối tăng, làm tăng tính cạnh tranh; việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế NK xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, những thay đổi về chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt; thay đổi về cơ chế tài chính áp dụng cho sản phẩm xăng dầu của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn..., dẫn tới cần thiết phải rà soát để sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn (trong nước và NK, xác định mức thuế NK phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá). Việc này nhằm kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. "Trong quy định về công thức tính giá cơ sở, có hướng dẫn cụ thể về mức thuế NK áp dụng cho phần giá NK phù hợp với việc tổng hợp từ các nguồn NK với các mức thuế suất khác nhau", ông Đông nói.

Ngoài các nội dung nêu trên, sửa đổi NĐ 83 còn đề cập tới rà soát quy định về thuế NK xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại DN kinh doanh xăng dầu, về quản lý chất lượng xăng dầu...

Duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Suốt thời gian qua, câu chuyện về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được đề cập tới không ít lần. Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít theo quy định tại NĐ 83 khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi khi về bản chất, người dân đang phải ứng trước cho quỹ. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Trong lần sửa đổi này, vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng được đề cập tới. Ông Trần Duy Đông cho hay: Lần sửa đổi lần này vẫn với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Muốn điều tiết, muốn can thiệp được thì phải có công cụ. Công cụ ở đây trong NĐ 83 đã sử dụng rất tốt, linh hoạt, có hiệu quả là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. "Đến nay, theo chỉ đạo và quan điểm của Chính phủ cũng như cuộc họp gần đây nhất của Ban soạn thảo, kể cả các bộ, ngành trong đó có liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn thống nhất quan điểm là trong dự thảo Nghị định vẫn có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu", ông Đông nói.

Liên quan tới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải không ít lần khẳng định: "Thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước nên việc bỏ quỹ ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Nguyên tắc của quỹ là lúc dư thì đóng vào, lúc khó thì lấy ra dùng. Thực tế, xét về mặt cá nhân, tôi không muốn có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và mong bỏ đi càng sớm càng tốt để “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn cần quỹ, cần vai trò quản lý của Nhà nước".

Ông Đông thông tin thêm về sửa đổi NĐ 83, để tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thực hiện việc trích lập, sử dụng và quản lý số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế báo cáo, theo dõi (số dư tài khoản Quỹ tại ngân hàng) và cần có quy định rõ trong Nghị định về chế tài xử lý vi phạm (như thu hồi giấy phép hoạt động của thương nhân đầu mối) trong trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện việc trích lập, kết chuyển số dư Quỹ theo quy định; đồng thời cần rà soát để sửa đổi quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ trong khi Quỹ tại DN đang bị âm...

Uyển Như

Tags: Kinh Doanh Xăng Dầu Bộ Công Thương Nghị Định Sửa Đổi Quỹ Bình Ổn Xăng Dầu Quỹ Bình Ổn Xăng Dầu