Mực khô lại 'tắc' đầu ra

Mực khô lại 'tắc' đầu ra
Muốn xuất khẩu bền vững thì phải kêu gọi tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp phía Trung Quốc.

Đánh bắt được hàng trăm tấn mực nhưng giá thấp, nhiều ngư dân Quảng Nam chấp nhận “ghim hàng” chờ lên giá, trong khi thương lái Trung Quốc yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc khi chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch khiến đầu ra của sản phẩm mực khô liên tục bị ách tắc.

Đầu tháng 12, các tàu hành nghề câu mực khơi đang đồng loạt cập cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam). Đây là chuyến biển cuối cùng trong năm 2019. Nhưng khác với không khí nhộn nhịp, tấp nập thường thấy của các cảng cá vào những tháng cuối năm, cảnh mua bán tại đây đang rất ảm đạm.

“Ùn ứ” hàng trăm tấn mực

Ngư dân Phan Bá Linh (ở xã Tam Giang, H.Núi Thành, chủ tàu cá QNa 90037 TS) vừa cùng 20 bạn thuyền cập cảng sau gần 2 tháng hành nghề câu mực khơi, mang theo khoảng 15 tấn mực xà. Nhưng đánh bắt được nhiều chưa hẳn đã vui. “Giá mực thu mua hiện nay tại cảng dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Nếu bán với giá này thì chỉ đủ bù phí tổn cho chuyến ra khơi, nên rất nhiều tàu đã về bến hơn nửa tháng rồi mà vẫn còn… cất trữ mực trong hầm tàu”, ông Linh nói.

Theo ngư dân Linh, trước đây mực xà chủ yếu tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhiều thời điểm mực không có hàng mà bán. Nay phía Trung Quốc chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc khiến đầu ra của sản phẩm mực xà liên tục bị ách tắc. “Giờ đây, thương lái mua chủ yếu xuất qua Thái Lan nên số lượng không đáng kể và còn bị thương lái ép giá nữa. Nếu chuyến biển đầu hoặc giữa năm thì cũng đành chấp nhận bán để tranh thủ đi tiếp. Bây giờ là chuyến cuối cùng nên cứ chờ giá lên được chừng nào hay chừng đó để anh em bạn thuyền có thêm chút thu nhập trang trải vào dịp cuối năm”, ông Linh buồn bã.

Ngư dân Huỳnh Văn Tiến (ở xã Tam Giang, chủ tàu cá QNa 91405 TS) cũng vừa có chuyến biển 1 tháng, nhưng gần 10 tấn mực khai thác vẫn chưa thể tiêu thụ. Tính ra, hàng chục tàu của ngư dân khác trên địa bàn Quảng Nam đang ứ đọng hàng trăm tấn mực. “Nghề biển này không thể tính trước được lời lãi vì tất cả đều phụ thuộc vào giá mua hải sản của thương lái. Để ngư dân yên tâm đánh bắt, chúng tôi mong có một đơn vị nào đó liên kết được với các doanh nghiệp mua ở nước ngoài đảm bảo sự ổn định về sản lượng, giá cả. Đơn vị này sau đó sẽ ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho ngư dân”, ông Tiến nói.

Mực xà không thể tiêu thụ khiến ngư dân gặp khó

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay toàn tỉnh mỗi năm khai thác khoảng 3.000 tấn mực xà, tập trung chủ yếu ở H.Núi Thành và một phần ở H.Thăng Bình. Lâu nay, mực xà Quảng Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, ít ràng buộc quy định của ngành chức năng 2 nước. Hiện nay, xuất khẩu đã thay đổi phương thức, doanh nghiệp Trung Quốc mua sản phẩm thì ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam có truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa. Ràng buộc này, theo ông Tấn, lượng mực xà xuất khẩu của tư thương Quảng Nam chưa thực hiện được.

“Muốn xuất khẩu bền vững thì phải kêu gọi tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp phía Trung Quốc. Hiện tại, Quảng Nam chưa có chính sách hỗ trợ hay trợ giá gì cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm mực mà chỉ khuyến khích đầu tư”, ông Tấn nói.

Hồi cuối tháng 6, Báo Thanh Niên từng có bài phản ánh về tình trạng hàng trăm tấn mực khô nằm cảng vì bí đầu ra. Lúc đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ NN-PTNN, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn mực khô tồn đọng. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các bộ, ngành T.Ư đàm phán với nhà chức trách Trung Quốc để mực khô được xuất khẩu trong thời gian sớm nhất; đồng thời hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái, chủ tàu tổ chức lại quy trình sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Mạnh Cường

Tags: Mực Khô Khó Xuất Khẩu Thị Trường Trung Quốc