Giá vàng đang ở đỉnh 7 năm, do căng thẳng leo thang tại Trung Đông sau khi Mỹ không kích giết tướng Iran Qasem Soleimani cuối tuần trước. Nhà đầu tư đã đổ xô mua tài sản trú ẩn. Giá dầu và trái phiếu cũng tăng vọt.
Ngoài rủi ro địa chính trị, các yếu tố vĩ mô cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Đồng đôla yếu đi và lãi suất âm phổ biến trên thế giới sẽ giúp vàng nối dài đà tăng.
Giá vàng được niêm yết bằng đôla Mỹ trên toàn cầu. Vì thế, hai tài sản này sẽ diễn biến ngược nhau. USD yếu đi sẽ kéo vàng tăng và ngược lại. Bên cạnh đó, lãi suất âm được áp dụng tại nhiều nước cũng đồng nghĩa tổ chức cho vay sẽ mất tiền, từ đó có xu hướng đổ tiền vào vàng.
Trong một báo cáo công bố hôm qua, UBS nhận định giá vàng năm nay sẽ dao động quanh 1.600 USD một ounce nhờ 3 yếu tố kể trên. Sáng nay, giá có lúc đã vượt 1.610 USD.
Vàng cũng hấp dẫn hơn so với nhiều tiền tệ khác. Nhiều thông tin cho thấy "các nhà sản xuất vàng đang muốn tận dụng diễn biến của kim loại quý so với nội tệ", báo cáo cho biết, "Việc các nhà sản xuất tăng bán ra có thể kiềm chế đà tăng trong ngắn hạn, nhưng xu hướng dài hạn vẫn sẽ là đi lên, nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục diễn biến theo hướng có lợi cho vàng. Nếu số liệu kinh tế của Mỹ chậm lại trong quý I đúng như các nhà kinh tế dự báo, vàng sẽ tiếp tục tăng".
Colin Hamilton - Giám đốc Nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets hôm qua cho biết tháng 1 và 2 vàng thường tăng giá mạnh, do nhu cầu của Trung Quốc trước Tết Nguyên đán và các nhà đầu tư cân đối lại danh mục. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng trung ương mua vàng có thể hỗ trợ thêm cho kim loại quý, đặc biệt với các nhà băng muốn giảm đôla hóa trong nền kinh tế. "Kazakhstan, Nga, Trung Quốc sẽ tiếp tục là các nước mua ròng vàng", ông nói.
Số liệu từ Ủy ban Giao dịch Hợp đồng Tương lai Hàng hoa Mỹ (CFTC) cho thấy tính đến hết tuần trước, số hợp đồng ròng mua vàng tương lai đã lên cao nhất kể từ tháng 9/2019. Việc này cho thấy nhà đầu tư dự báo giá sẽ tăng trong dài hạn.
Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo nhà đầu tư thận trọng trước khi nhảy vào cơn sốt vàng. UBS cho biết thanh khoản hiện rất mỏng sau dịp nghỉ lễ cuối năm, khiến diễn biến giá bị phóng đại. Bên cạnh đó, sự biến động của địa chính trị sẽ khiến diễn biến giá vàng thiếu chắc chắn.
"Căng thẳng leo thang ban đầu có thể khiến nhu cầu trú ẩn tăng cao, nhưng đà tăng mạnh khó duy trì như thế mãi nếu bất ổn kéo dài", UBS cho biết. Thêm vào đó, nếu căng thẳng hạ nhiệt, đà tăng sẽ đảo chiều nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các chiến lược gia hàng hóa tại Macquarie cũng cảnh báo "sự kiện địa chính trị đơn lẻ không đủ duy trì đà tăng cho vàng". "Để giá tăng mạnh nữa, chúng ta cần sự kết hợp giữa đồng đôla yếu, lãi suất giảm và lạm phát tăng, cùng lo ngại về giá dầu cao và ảnh hưởng của lãi suất âm lên tăng trưởng toàn cầu", báo cáo cho biết.
Hà Thu (theo CNBC)