Khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người phải ở trong nhà, một vài công ty đã được hưởng lợi, nhiều nhất trong số đó phải kể đến là Amazon. Từ rau củ đến thiết bị dọn dẹp, những gói hàng chuyển từ Amazon đã trở thành phao cứu sinh với nhiều người mắc kẹt trong nhà. Các lãnh đạo công ty đã so sánh sự tăng nhu cầu với hàng hóa lúc này ngang ngửa giai đoạn mùa mua sắm lễ hội hàng năm.
Tuy nhiên, thương mại điện tử không phải là lĩnh vực duy nhất Amazon chứng kiến tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia phân tích nói rằng mảng kinh doanh điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) cũng chứng kiến nhu cầu tăng vọt khi mọi người đổ xô vào sử dụng dịch vụ của một số khách hàng của họ như Zoom và Netflix để làm việc và giải trí.
Amazon còn có các nền tảng giúp người dùng truy cập vào những cuốn audiobook và chương trình tivi để mọi người giải trí. Và khi ngày càng nhiều người ở nhà hơn, họ càng có thời gian để gắn bó với những thiết bị thông minh điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo AI của Amazon.
Mức độ to lớn của những lợi ích kinh doanh và vị trí trung tâm ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng mong manh ở Mỹ của Amazon đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công ty với người tiêu dùng và tiềm năng thống trị của nó trong những tháng tới.
"Cuộc khủng hoảng lần này càng kéo dài, Amazon càng trở nên kinh khủng hơn", theo James Bailey - Giáo sư tại Đại học George.
"Mọi cuộc khủng hoảng đều tạo ra những khoảng trống. Và dù là ai có thể lấp đầy những khoảng trống đó, họ đều có quyền lực rất khủng khiếp".
Amazon không phải là công ty duy nhất được hưởng lợi. Khủng hoảng xuất hiện đã giúp toàn ngành thương mại điện tử phất lên. Theo Bank of America, lĩnh vực này đã tăng trưởng 16% trong tháng 3 so với 1 năm trước. Thói quen tiêu dùng này có thể vẫn lưu giữ cho tới khi khủng hoảng qua đi, vì vậy rất có thể nó sẽ tạo ra làn sóng thay đổi lợi nhuận của Amazon trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, nhờ vào quy mô và sự hiệu quả như hiện nay, Amazon đang vùng lên mạnh mẽ hơn nữa trong khủng hoảng so với các đối thủ cạnh tranh khác. Trong khủng hoảng lần này, Amazon có thể thu thêm 4 tỷ USD doanh thu cho năm nay mặc dù chi phí trong giai đoạn này có thể tăng khiến lợi nhuận của họ giảm đi đôi chút.
Có một thực tế không thể phủ nhận là người Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Amazon. Và khi khủng hoảng lần này xảy ra, nó lại càng làm củng cố thêm câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách đã luôn băn khoăn ngay cả trước khi dịch Covid-19 xảy ra: Liệu Amazon có đang nắm quá nhiều quyền lực hay không?
Thiết lập lại vị thế
Thay đổi thấy rõ nhất về nhu cầu đối với các dịch vụ của Amazon không ngạc nhiên nằm ở mảng kinh doanh cốt lõi là bán lẻ. Công ty đã xây dựng được danh tiếng với dịch vụ vận chuyển siêu nhanh, không để khách hàng phải chờ đợi lâu với những sản phẩm rất cần thiết lúc này như nước rửa tay, giấy vệ sinh và nhiệt kế.
Người phát ngôn của Amazon đã so sánh khối lượng hàng hóa lần này giống với những gì họ chứng kiến trong dịp cao điểm mua sắm lễ hội năm ngoái. Tuần trước, Amazon nói trong một bài đăng rằng họ đã gần kết thúc việc tuyển thêm 100.000 nhân viên để "đáp ứng nhu cầu".
Chưa kể đến việc, phạm vi kinh doanh bán lẻ của Amazon còn mở rộng không chỉ thương mại điện tử. Ngoài thương vụ thâu tóm Whole Food, Amazon còn mua một dịch vụ giao rau củ riêng biệt Amazon Fresh. Cả 2 hiện đang đang sẵn sàng hưởng lợi từ việc người dân đều phải ở nhà. Người phát ngôn của Amazon không ngần ngại bày tỏ rằng: "Thời gian này rất thú vị".
Sức mạnh của Internet
Dù tất cả sự tập trung vào mảng kinh doanh thương mại điện tử nhưng ít người biết rằng mảng dịch vụ điện toán đám mây mới là con gà đẻ trứng vàng của Amazon. Báo cáo tài chính cho thấy AWS chiếm 63% lợi nhuận hoạt động của công ty vào năm ngoái.
Hiện tại, khi mà nhu cầu sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số trở nên phổ biến giữa đại dịch, nhu cầu với nền tảng điện toán đám mây của Amazon lại càng tăng cao.
"Bạn đang chứng kiến sự phổ biến của những ứng dụng như Slack, Zoom, Fortnite, Netflix phải không? Đó đều là khách hàng của AWS cả. Hoạt động của một vài khách hàng kể trên thậm chí tăng chóng mặt", Justin Post - chuyên gia từ Bank of America nói.
Giúp khách hàng lấp đầy thời gian chết
Không chỉ chứng kiến nhu cầu tăng chóng mặt với những hàng hóa vật lý, Amazon còn hưởng lợi từ việc chuyển sang các thiết bị kỹ thuật số khi mọi người phải ở nhà.
Amazon hiện sở hữu Audible - một nền tảng audiobook. Tháng trước, Audible đã cho phép người dùng truy cập vào hàng trăm audiobook miễn phí như một chương trình nhằm giúp đỡ người dân giải trí trong đại dịch. Kể từ khi ra mắt Audible Stories vào ngày 19/3, lượng truy cập vào website đã tăng đột biến. Những sản phẩm mới đã nhận được hàng triệu lượt xem mỗi ngày từ khắp nơi trên thế giới.
Trong khi đó, nếu sự gia tăng trong giải trí kỹ thuật số có thể là trên Youtube và Netflix thì Twitch của Amazon cũng không kém cạnh. Đây là nền tảng online để người dùng có thể xem livestream những người khác đang chơi game trực tuyến.
Trong những tuần gần đây, công ty xác nhận với CNN rằng lượng truy cập và lượt xem trên Twitch đã tăng trên khắp thế giới, đặc biệt là những kênh có kết nối với thể thao và âm nhạc.
Trước khi Covid-19 ập đến, Twitch đã là 1 trong 10 nền tảng stream video phổ biến nhất trên toàn bộ internet. Hiện tại, khi nhu cầu tăng cao, công ty thậm chí phải giảm chất lượng video ở khu vực châu Âu.
Tầm ảnh hưởng của Amazon sẽ tạo tác dụng cho nó theo những cách khác, đáng kể hơn rất nhiều. Khi đã chán với kho phim của Netflix, người Mỹ có thể chuyển sang những series truyền hình của Amazon hoặc mua ebook để đọc trên Kindle.
Ở trong nhà, những thiết bị thông minh của Amazon có thể giúp người dùng hẹn giờ nấu cơm, yêu cầu chúng bật một bản nhạc… Nói chung mọi người có thể sử dụng các dịch vụ của Amazon cho mọi nhu cầu trong cuộc sống.
Đã mạnh còn mạnh hơn, tương lai mạnh nữa
Điều khiến Amazon dường như đặc biệt sinh ra cho khủng hoảng dịch bệnh lần này không phải là khả năng phục vụ nhu cầu của con người từ xa hay cơ sở khách hàng khổng lồ của họ. Điều quan trọng ở đây là, chính những điều đó giúp Amazon trở thành cỗ máy bán lẻ được khai thác tốt nhất trên trái đất, tạo ra các vòng phản hồi tích cực - càng hiệu quả, nó càng trở nên hấp dẫn.
Người tiêu dùng vốn không có thời gian và tiền bạc để hoang phí. Đó hiển nhiên là sự thật trước khi khủng hoảng xảy ra, nhưng bây giờ nó còn đúng hơn nữa. Điều đó có nghĩa là khủng hoảng có thể củng cố vững chắc hơn sức mạnh trong tương lai của Amazon. Và điều đó có thể khiến một số đối thủ vốn kém hiệu quả, khó thích nghi với khủng hoảng của họ sẽ phải chết.
Từng chi tiết đều cho thấy Amazon được trang bị tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của họ để chiến đấu với khủng hoảng. Sự giàu có, quy mô và các mối quan hệ với nhà cung cấp đều trở thành yếu tố then chốt giúp họ có được đặc điểm giá trị khi bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra: Khả năng phục hồi.
Cho tới vài tuần trước, Amazon vẫn còn chịu vô số lời chỉ trích, đặc biệt từ những nhà hoạch định chính sách về sự độc quyền của họ, sức mạnh quá lớn đang nằm trong tay họ.
Đến bây giờ, khi mà người Mỹ càng phụ thuộc vào Amazon hơn bao giờ hết như thế này, những câu hỏi về mức độ ảnh hưởng và mức độ hạn chế tăng trưởng của Amazon lại được dấy lên.
"Đại dịch Covid-19 lần này sẽ khiến người dân chuyển sang nhu cầu mua sắm trực tuyến nhiều hơn, điều đó rõ ràng mang lại lợi ích cho Amazon - gã khổng lồ lớn nhất trong ngành".
Vân Đàm