Ba Lan đang thể hiện lập trường kiên quyết đối lập với Nga, thậm chí là từ bỏ cả châu Âu vẫn cố để làm thân với Mỹ. Ông Putin sẽ giải “bài toán” Ba Lan ra sao để nhanh chóng thúc đẩy dự án Dòng chảy phương Bắc – 2.
Thời báo Gazeta Wyborcza của Ba Lan mới đây cho biết, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định, ông sẽ không đến Israel để tham gia Diễn đàn toàn cầu trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Holocaust (Lễ kỷ niệm vụ thảm sát người Do Thái từ thời Thế chiến II). Lễ Kỷ niệm này sẽ được tiến hành từ ngày 22-23/1 tới đây, chủ đề của năm nay là Kỷ niệm 75 năm trại tập trung Auschwitz II–Birkenau.
Nguyên nhân của việc cự tuyệt đến Israel được Tổng thống Ba Lan đưa ra là do Tổng thống Nga Putin là khách quý của Diễn đàn năm nay, thời gian gần đây, quan hệ giữa Nga và Ba Lan không ngừng đi xuống do liên quan đến các tranh cãi xoay quanh vấn đề lịch sử, "có ông Putin thì sẽ không có tôi", ông Andrzej Duda tuyên bố với tờ báo Gazeta Wyborcza.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề tranh cãi giữa Nga và Ba Lan thời gian qua không phải là nguyên nhân chính để Tổng thống Ba Lan hủy bỏ chuyến đi đến Israel lần này. Nguyên nhân chủ yếu là do Ba Lan đang xây dựng đường lối thân Mỹ, dự án Dòng chảy phương Bắc – 2 mà Nga và Đức đang triển khai đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc Ba Lan “làm thân” với Mỹ và quốc gia này đang phải chịu nhiều áp lực từ Mỹ.
Ba Lan là một quốc gia châu Âu, nhưng Ba Lan lại quan trọng đối với Mỹ hơn các quốc gia châu Âu khác. Chính phủ Mỹ coi Ba Lan là “chốt chặn” của mình ở châu Âu, thông qua phía Tây Ba Lan có thể can thiệp vào các sự vụ của châu Âu và kiềm chế các quyết sách quan trọng của khu vực này. Còn thông qua phía Đông Ba Lan, Mỹ có thể trực tiếp hạn chế thế lực của Nga, hình thành nhiều mối đe dọa.
Trong 2 năm qua, Ba Lan và Mỹ đã hợp tác sâu sắc với nhau trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, quân sự đến đối ngoại. Trong lĩnh vực quân sự, Ba Lan đã mua một lượng lớn thiết bị quân sự của Mỹ, đồng thời cam kết đầu tư 2 tỉ USD để thành lập căn cứ quân sự lâu dài cho Quân đội Mỹ ở quốc gia này. Tổng thống Ba Lan thậm chí còn nói đùa rằng căn cứ quân sự của Mỹ có thể được đặt tên là “Pháo đài Trump”. Về mặt kinh tế, Ba Lan phản đối dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc – 2 giữa Đức và Nga, cùng với đó Ba Lan ký thỏa thuận cung cấp khí đốt 24 năm với Mỹ .
Việc Ba Lan phát triển chính sách thân Mỹ là do Ba Lan cho rằng Đức và Nga luôn tìm cơ hội để chia cắt Ba Lan, trong đó phía Đông Ba Lan sẽ do Nga quản lý, còn phía Tây Ba Lan sẽ thuộc về Đức. Việc “thân” với Mỹ sẽ làm cho Ba Lan có chỗ dựa vững chắc để đối phó với hai quốc gia này. Trong con mắt của giới học giả Nga, Ba Lan đã trở thành mảnh đất “đắc địa” của Mỹ ở châu Âu.
Chuyên gia Konovanov thuộc Trung tâm tình hình chính trị Nga cho biết, người Ba Lan đang cố gắng ràng buộc với Mỹ, nhưng điều này lại làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng và các nước châu Âu khác. Đây không phải là một quyết định khôn ngoan của Ba Lan khi từ bỏ lợi ích của các nước châu Âu và “xin tị nạn” ở Mỹ. Có một câu nói rằng, “nước xa không cứu được lửa gần”, nếu có chuyện gì xảy ra ở Ba Lan, thì sự hỗ trợ của Mỹ cũng không thể đến được Ba Lan ngay lập tức, đây là điều Ba Lan nên cân nhắc.
Sau khi Ba Lan gia nhập đội ngũ “thân” Mỹ, nước này bắt đầu tìm cách mua một số máy bay chiến đấu và xe bọc thép do phương Tây sản xuất. Nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại ra khỏi chương trình mua sắm trang thiết bị từ Mỹ, Ba Lan kiên quyết chủ động xúc tiến kế hoạch mua thiết bị quân sự của Mỹ, điều này sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh quân sự của đất nước. Sự thật trong quá khứ, chiến tranh châu Âu đã làm cho Ba Lan nghĩ rằng, phải tăng cường sức mạnh quân sự bằng mọi cách, nếu không họ sẽ là người thất bại. Đây là lý do tại sao Ba Lan thậm chí không tiếc mọi giá ủng hộ Mỹ ngay cả khi việc từ bỏ châu Âu, chống lại Đức và Nga.