Thông thường, bánh chưng được làm bằng nhân thịt heo và và đậu xanh truyền thống. Nhưng năm nay, chị Oanh, chuyên bán thực phẩm ở quận Thủ Đức cho biết, để có món mới lạ chị làm khoảng 300 cái nhân tôm khô, trứng muối và nấm để thăm dò.
"Nhưng mới ra mắt mà khách đặt gần hết", chị Oanh nói. Loại bánh này được làm bằng gạo nếp tuyển chọn từ Lào nên thơm ngon, cộng thêm vị bùi bùi béo béo của trứng muối, vị ngọt của tôm khô nên ăn không ngán.
Theo chị Oanh, loại này được chọn với nguyên liệu đắt đỏ nên một cặp giá 480.000 đồng. Nhưng hầu hết khách đặt mua ăn thử đều cảm thấy hài lòng và quay trở lại đặt tết.
Cũng rầm rộ gầu đây, món bánh chưng cá hồi của đầu mối ở Hà Nội cũng đang được khách đặt mua mạnh. Ông Trịnh Xuân Giáp (Quận Ba Đình) cho biết, vì kinh doanh nhà hàng Nhật Bản nên ông muốn đưa bánh bản sắc Nhật vào món bánh chưng của người Việt Nam. Do đó, ông thay thế thịt heo –nhân bánh chưng bằng cá hồi. Giá mỗi cặp 580.000 đồng, ông dự kiến bán ra thị trường hơn 1.600 chiếc bánh trong dịp tết năm nay.
Theo ông Giáp, cá hồi được ông lựa chọn khá kỹ lưỡng từ loại có trọng lượng 10 kg, gạo là hàng được tuyển chọn và trộn với bột trà xanh để tạo màu đặc trưng cho vỏ bánh. Sau khi sơ chế xong nguyên liệu, người làm bánh sẽ tẩm ướp cá hồi bằng phương thức đặc biệt để khi luộc bánh không làm mất đi vị truyền thống, đồng thời có thể khử được vị tanh của cá mà không hề mất đi chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, năm nay thị trường còn thêm bánh chưng đen, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm.
Là đầu mối chuyên bán thực phẩm, chị Hân ở Thủ Đức cho biết, đến nay lượng khách đặt bánh chưng đen đã lên tới 500 cái. Loại này được chị lấy hàng ở Lạng Sơn và vận chuyển bằng máy bay nên chất lượng ổn định. Mỗi bánh có trọng lượng 1,3 kg giá 220.000 đồng một cặp.
Bánh luộc trong 8-10 tiếng sao cho nồi bánh lúc nào cũng sôi sùng sục, ngập nước. Khi vớt, người dân rửa bánh qua nước để làm sạch mỡ bám trên vỏ bánh. Sau đó, họ treo bánh thành từng cặp trên gác nhà để cho lá bánh khô, không bị mốc.