Gọi vốn tư nhân là giải pháp duy nhất để nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng hàng không. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Không cách nào ngoài gọi vốn tư nhân
Để gỡ nút thắt hạ tầng sân bay, không có cách nào khác là kêu gọi nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay ở nước ta cần trở thành một chủ trương xuyên suốt và có quy định cụ thể, rõ ràng cho từng dự án.
TS Lương Hoài Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Thông báo nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1737 ngày 13.12.2018. Trong đó xác định Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây nguyên...
Đáng chú ý, cùng với Thông báo số 141 trước đó truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ GTVT khẩn trương làm việc thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện, cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng một lần nữa nhấn mạnh Bộ GTVT nghiên cứu phương án không dùng ngân sách nhà nước hay vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước để thực hiện dự án này. Đây là việc chưa có tiền lệ bởi đối với các dự án đầu tư, mở rộng các hạng mục sân bay trước đây, Chính phủ yêu cầu khuyến khích, ưu tiên sử dụng vốn tư nhân nhưng chưa bao giờ chỉ định rõ ràng là không dùng vốn ngân sách. Động thái này được coi là tín hiệu đáng mừng đối với nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân đang có ý định tham gia đầu tư hạ tầng sân bay, điển hình là Hãng hàng không Vietjet. Đơn vị này từng đề xuất Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư 20.000 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai với phân kỳ đầu tư chia thành 3 giai đoạn.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Tổ tư vấn du lich - người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về kinh tế hàng không - nhận định việc chỉ định sử dụng vốn xã hội hóa để đầu tư và nâng cấp toàn diện sân bay Chu Lai là động thái “bật đèn xanh”, từng bước cụ thể hóa chủ trương cho phép DN tư nhân tham gia vào mở cửa bầu trời, mà Chính phủ đã nhiều lần khẳng định nhưng chưa làm được. Theo ông Nam, trong bối cảnh hạ tầng sân bay VN đang quá tải nghiêm trọng như hiện nay, tận dụng nguồn lực từ xã hội, từ khu vực kinh tế tư nhân là điều tất yếu để hoàn thiện hạ tầng, đột phá hàng không, du lịch. Cụ thể, cả nước hiện có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm, nhưng năm 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải.
“Ngân sách nhà nước không thể đủ kham nổi việc hoàn thiệnhạ tầng sân bay một cách nhanh chóng. Với một nền du lịch và vận tải hàng không phát triển đầy năng động như ở nước ta trong vài chục năm gần đây, việc phát triển hạ tầng sân bay dựa vào chỉ một DN sân bay như ACV (Tổng công ty Cảng hàng không) là bất hợp lý và bất khả thi. Để gỡ nút thắt hạ tầng sân bay, không có cách nào khác là kêu gọi nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay ở nước ta cần trở thành một chủ trương xuyên suốt và có quy định cụ thể, rõ ràng cho từng dự án”, ông Nam nhấn mạnh.
Tránh xã hội hóa nửa vời
Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện “Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không” để báo cáo Thủ tướng trong tháng 12. Trong đó, với kế hoạch đầu tư hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm rõ nhu cầu vốn, dự kiến cơ cấu nguồn vốn, đồng thời khuyến nghị kế hoạch đầu tư của ACV phải trên cơ sở năng lực tài chính. ACV chỉ nên tập trung vào các cảng lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Đà Nẵng, Cần Thơ… Các sân bay địa phương nên khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, quản lý
Sau nhiều năm nhà nước nắm thế độc quyền, khiến hạ tầng sân bay khó phát triển, sân bay Vân Đồn - cảng hàng không quốc tế hiện đại đầu tiên của VN được thực hiện bằng 100% vốn tư nhân - chính thức đi vào hoạt động là bằng chứng cho thấy tư nhân có thể làm rất tốt nếu được có điều kiện tham gia. Tuy nhiên, câu chuyện kêu gọi tư nhân đầu tư hạ tầng sân bay không chỉ đơn giản là vốn, mà còn ở cơ chế quản lý, khai thác và vận hành sân bay. Ngoại trừ Vân Đồn, hiện nay các cảng hàng không được chia làm 2 khu vực là khu bay và khu dịch vụ nhà ga, sân đỗ. Trong đó, nhà ga và sân đỗ giao cho ACV; khu bay là tài sản, thuộc trách nhiệm quản lý của nhà nước. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, bất cập mà điển hình là hai đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng nằm chờ gần 2 năm qua vẫn chưa được duy tu, sửa chữa. Ngân sách nhà nước không đủ tiền, ACV có tiền nhưng lại không được phép sửa vì không có cơ chế, hạ tầng sân bay đã kẹt nay càng thêm tắc.
TS Lương Hoài Nam lưu ý đối với các dự án phát triển sân bay, khuyến khích tư nhân tham gia thì phải cho phép đầu tư, quản lý tổng thể tất cả các hạng mục của một sân bay dân dụng: bao gồm cả khu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các dự án thương mại, dịch vụ thành phần. “Bên cạnh đó, DN tư nhân phải có quyền tham gia đầu tư vào nhiều dạng dự án phát triển hạ tầng hàng không. Không chỉ các dự án xây mới hoàn toàn như sân bay Vân Đồn, đối với các cảng đã có hạ tầng khu bay, đang thuộc quản lý của ACV nhưng cần mở rộng, nâng cấp hay đầu tư thêm các dự án thành phần thì DN khác vẫn có quyền tham gia đấu thầu, thực hiện. Đã chủ trương xã hội hóa, mở cửa bầu trời thì phải làm cho tới và rõ ràng. Tránh mở nửa vời, cả nhà nước, DN và người dân đều “chết dở” như câu chuyện 2 đường băng đang chờ sửa tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài”, ông Nam đề xuất.
Hà Mai