Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam. Các sản phẩm này được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan để xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết đây là cách làm nhằm né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với các sản phẩm của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Đánh giá về tác động của quyết định này, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, đối với các doanh nghiệp sử dụng chất thép nền từ Hàn Quốc và Đài Loan, xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc thu các khoản ký quỹ đối với các lô hàng thực hiện từ ngày 2/8/2018 - thời điểm phía Mỹ chính thức khởi động điều tra, cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp này.
“Tuy nhiên, phải nói rõ rằng quyết định này từ phía Mỹ không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam sử dụng chất nền không phải từ Hàn Quốc và Đài Loan, hay nói cách khác là sử dụng các nguyên liệu từ các nguồn nhập khẩu khác. Do vậy, các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất thép của Việt Nam vẫn có cơ sở để tiếp tục hoạt động xuất khẩu bình thường sang Mỹ”, ông Sơn nêu rõ.
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ áp thuế đối với các sản phẩm thép của Việt Nam sử dụng chất nền từ nước khác. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong ngành thép cần có những lưu ý nhất định để tránh bị áp dụng các biện pháp tương tự.
Đặc biệt, với quyết định áp thuế lần này, các doanh nghiệp của Việt Nam cần một lần nữa suy xét một cách hết sức nghiêm túc về định hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh dài hạn, để sản phẩm thép trên cơ sở đáp ứng những yêu cầu về nguồn nguyên liệu, công nghệ để đảm bảo quá trình gia công chế biến, đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi, giá trị một cách căn bản, đảm bảo quy định về xác định xuất xứ.
Ông Sơn cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu, trong thời gian tới bên cạnh việc theo dõi những diễn biến về chính sách, cần theo dõi và lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu, cũng như quá trình gia công chế biến sản phẩm, sau đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, cơ quan Hải quan và đặc biệt là các cơ quan của nước nhập khẩu trong quá trình điều tra, thu thập thông tin để chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu cũng như quá trình chế biến, gia công sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu về xuất xứ./.