Thiệt hại lớn với ngành du lịch
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với du lịch Việt Nam do Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức chiều 5/2. Theo đại diện các đơn vị quản lý cũng như doanh nghiệp, số lượng khách du lịch giảm mạnh. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, thậm chí có địa phương đã giảm tới 60-70%.
Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.
Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, với hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019, theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa.
Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, lo lắng: “Nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành ‘sa mạc’. Có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch”.
Đại diện Công ty lữ hành Kim Liên, đơn vị chuyên đón khách và tổ chức đưa khách tham quan Trung Quốc, cũng cho biết, tổng số khách hủy chương trình là hơn 10.000 người. Từ ngày 27/1, phía Trung Quốc đã yêu cầu dừng hẳn hoạt động tổ chức đưa khách đi du lịch nước ngoài, thậm chí kể cả chào bán tour online. Công ty đã hoàn trả lại tiền 100% cho khách đặt tour và xác định doanh thu quý I bằng không. Tạm thời, đơn vị cho nhân viên nghỉ việc 2 tuần vì không có khách.
Đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho hay: Khách du lịch quốc tế đến địa phương giảm 67% trong tháng qua và dự báo tiếp tục giảm. Do vậy, đây là thời điểm rất khó khăn của các đơn vị kinh doanh du lịch. Nếu dịch kéo dài rất cần hỗ trợ của Chính phủ trong việc giãn nợ vay ngân hàng và miễn giảm thuế.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến cũng giảm 30-50%. Những tổn thất của ngành du lịch nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng có thể còn tăng khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn. Hà Nội hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở này đều xác nhận khó khăn, thách thức lớn khi dịch bệnh nCoV tiếp diễn.
Bảo vệ du khách là chính bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp
Qua các điểm cầu trực tuyến, lãnh đạo các sở du lịch cùng báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona. Theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona đã được các tỉnh, thành thực hiện nghiêm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như các công điện của Bộ VH-TT&DL.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định: Kinh nghiệm từ hồi xử lý dịch bệnh SARS cho thấy du lịch là ngành đầu tiên bị tác động ảnh hưởng nặng nhất. Điều này cũng cảnh báo đối với cơ quan quản lý du lịch không nên phụ thuộc quá vào một thị trường.
“Bảo vệ du khách là chính bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp sau dịch. Đồng thời, thông qua liên kết giữa các nhóm dịch vụ du lịch để xây dựng chương trình kích cầu, đặc biệt là kích cầu nội địa. Đồng thời, trong thời gian có dịch, các doanh nghiệp cũng tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực để có thể có đà cho phát triển sau này”, ông Bình nói.
Ông Phùng Quang Thắng cho rằng trước mắt, các doanh nghiệp cần xây dựng và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Du lịch nội địa sẽ là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc.
Còn ông Nguyễn Công Hoan kiến nghị: Phía doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác về dịch bệnh để có kế hoạch khai thác thị trường và phục hồi từng thị trường. Đồng thời, cũng cần nắm rõ nguồn lực mà nhà nước hỗ trợ để kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, hiệp hội để tổ chức chương trình kích cầu sau dịch. Với số phòng, dịch vụ để “trống” trong thời gian dịch, các doanh nghiệp du lịch hoàn toàn có thể liên kết với nhau để kích cầu du lịch, trước mắt là du lịch nội địa để phục hồi.
Cùng với kiến nghị sớm mở lại cửa các điểm di tích, danh thắng, các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị đối tác hàng không có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ hủy, hoàn vé hoặc lùi thời hạn khởi hành. Với cơ quan chức năng thì hỗ trợ miễn giảm thuế VAT, giãn nợ ngân hàng.
D.Anh