Theo Washington Post, doanh nhân Mỹ James Mault - người sáng lập hãng BiolntelliSense - đặt mọi hi vọng vào ngày 1/3.
Đó là ngày đối tác sản xuất của ông ở Trung Quốc mở cửa trở lại và bắt đầu xuất xưởng thiết bị y tế sau quãng thời gian đóng cửa vì dịch virus corona chủng mới (Covid-19).
Các kỹ sư đã trở lại làm việc ở nhà máy tại miền nam Trung Quốc. Đây là cơ sở sản xuất thiết bị y tế cho một số công ty phương Tây. Theo lịch, hàng trăm công nhân sẽ có mặt tại nhà máy vào ngày 1/3.
"Chúng tôi nhận sản phẩm trễ 4-6 tuần. Tình hình hiện tại là vẫn có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm trễ kéo dài, tác động đối với công việc kinh doanh sẽ là rất đáng kể", ông Mault nói.
Lo lắng đến mất ngủ
Giới chuyên gia kinh tế nhận định vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian đầy thử thách đối với nhiều công ty Mỹ đang chờ đợi các nhà máy Trung Quốc mở cửa trở lại.
Nếu các nhà cung ứng Trung Quốc sớm nối lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ tránh được thảm họa. Và những diễn biến khó lường đang khiến các chủ doanh nghiệp Mỹ lo lắng đến mất ngủ.
Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện số lượng công nhân trở lại nhà máy làm việc. Các nhà máy cần nhiên liệu thô để khôi phục sản xuất và đủ khẩu trang để đảm bảo an toàn cho công nhân.
Nhà máy cũng cần hệ thống xe tải và hải cảng hoạt động bình thường để đảm bảo hàng hóa được đưa đến các thị trường. Những ách tắc do dịch virus corona chủng mowiss gây ra khiến mạng lưới này bị tê liệt.
Với nhiều công ty Mỹ, dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm những khó khăn họ trải qua trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Dịch Covid-19 cũng giáng cú đòn nặng lên các công ty toàn cầu bán sản phẩm và dịch vụ ở thị trường Trung Quốc. Tuần trước, Deere thông báo doanh số thiết bị xây dựng sụt giảm mạnh trong tháng vừa qua do hoạt động xây dựng ở Trung Quốc ngừng trệ.
Một số chuỗi thức ăn nhanh và bán lẻ, bao gồm Starbucks, Domino's Pizza và Lululemon, đã đóng cửa các cửa hàng ở Trung Quốc đại lục và hoãn mở những cơ sở mới.
Nhà sản xuất phụ tùng xe hơi American Axle & Manufacturing thừa nhận doanh số sụt 25 triệu USD trong tháng 2 vì sản xuất xe hơi ngưng trệ ở Trung Quốc. Tesla cũng cho biết lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng khắp nơi
Ngay cả các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài thị trường Trung Quốc cũng lao đao. "Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ gây tác động dây chuyền", Washington Post dẫn lời ông Keith Creel, CEO của Canadian Pacific Railway, khẳng định.
Một số doanh nghiệp Mỹ đã di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tránh được trình trạng tê liệt vì dịch virus corona. Azazie, một hãng bán lẻ thời trang ở San Jose (California), trước đây có 50 xưởng gia công ở Trung Quốc.
Hiện, hãng đã đưa một phần dây chuyền sản xuất tới Campuchia và Việt Nam. "Chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Không dễ mở rộng thị trường bên ngoài Trung Quốc", bà Ranu Coleman, Giám đốc Tiếp thị Azazie, cho biết.
Nhưng với nhiều công ty đa quốc gia phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc, việc di dời là không hề dễ dàng. Tuần trước, Apple cảnh báo doanh thu quý này sẽ không đạt mục tiêu do dây chuyền sản xuất iPhone ở Trung Quốc tê liệt và nhu cầu tại đây sụt giảm.
Ông Mault nói BioIntelliSense tính đưa dây chuyền sản xuất tới các nước châu Á khác hoặc Mexico. "Nhưng việc di dời quá tốn thời gian, chúng tôi vẫn quyết định chờ các nhà máy Trung Quốc khôi phục sản xuất", ông giải thích.
MGA Entertainment, công ty sản xuất búp bê Bratz và L.O.L Surprise!, cho biết một số nhà máy của hãng ở Trung Quốc đã nối lại hoạt động, nhưng không thể kiếm được nguồn nguyên liệu thô, bao gồm thép, resin và giấy bồi.
Nhà máy của MGA Entertainment ở Hudson (bang Ohio) đang chạy hết công suất, nhưng cơ sở này chỉ đủ nguyên liệu thô nhập từ Trung Quốc cho một tháng nữa. Công ty đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ Mỹ. "Trong 41 năm kinh doanh, đây là thảm họa tồi tệ nhất đối với chúng tôi", CEO Isaac Larian than thở.
Tỉnh Hồ Bắc - với thủ phủ Vũ Hán là tâm chấn của dịch virus corona chủng mới - là một trung tâm sản xuất lớn ở Trung Quốc. Nhà sản xuất động cơ Cummins cho biết các cơ sở sản xuất ở Hồ Bắc sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới ngày 11/3.
Các công ty như Cummins đang vất vả tìm nguồn cung khẩu trang để cung cấp cho công nhân. Các tỉnh ở Trung Quốc có những quy định khác nhau về số lượng khẩu trang cho công nhân mỗi ngày, CEO Steve Lamar của Hiệp hội May mặc Mỹ kể.
Với 40% hàng may mặc và 65% giày dép bán ở thị trường Mỹ có nguồn gốc Trung Quốc, các doanh nghiệp may mặc Mỹ đang chạy đua với thời gian. "Có quá nhiều bất ổn đang ở trước mắt", ông Lamar thừa nhận.
Thanh Hoa