Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra, rằng Bộ Công Thương cùng Thủ tướng đã tiếp đoàn công tác từ phía Mỹ bàn về kế hoạch hành động của Việt Nam nhằm tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Đồng thời phía Mỹ cũng mong muốn giảm nhập siêu từ Việt Nam và yêu cầu phải đảm bảo lợi ích của hai bên.
"Theo đánh giá của nước bạn, hiện thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là không công bằng", thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đang đánh giá và rà soát kế hoạch hành động thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Việt Nam sau đó trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều này nhằm tránh việc Mỹ áp dụng các biện pháp tương tự Trung Quốc và một số nước khác.
"Chúng ta cần cẩn thận tránh việc Mỹ coi Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hóa của các nước. Đây hoàn toàn không phải là chủ truong của Chính phủ", Thứ trướng Đỗ Thắng Hải nói.
Trước đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc đầu tư, mở rộng đầu tư, công suất, kế hoạch sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định về quy tắc xuất xứ, pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Động thái của Cục phòng vệ thương mại là hoàn toàn có lý do, bởi trong tuần thứ ba của tháng 10/2019, phía Mỹ đã đưa ra phán quyết cuối cùng 4 vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại mà ở đó có một số quốc gia trong ASEAN.
Đơn cử như Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định cuối cùng vụ việc điều tra về chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu thép sợi carbon và thép hợp kim từ Thái Lan. Theo kết luận, các nhà xuất khẩu từ nước này đã bán phá giá thép sợi carbon và thép hợp kim với biên độ phá giá là 20,83%.
Hoặc như việc DOC đã công bố quyết định cuối cùng vụ việc điều tra về thuế chống bán phá giá đối với A-xê-ton nhập khẩu từ Singapore và Tây Ban Nha. Theo đó, DOC cho rằng các nhà xuất khẩu từ các quốc gia này đã bán phá giá sản phẩm nói trên vào thị trường Mỹ với biên độ phá giá tương ứng ở mức 66,42 – 131,75% và 137,39 – 171,81%.
Đây được cho là chuỗi nối dài kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, DOC đã khởi xướng 184 vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mới.
Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ từ đầu năm đến nay là rất cao, hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong Báo cáo Tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết lũy kế 11 tháng đầu năm nay Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kì năm ngoái.
EU đứng thứ hai với kim ngạch đạt 38 tỉ USD, giảm 2,3%. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm nhẹ 0,6% xuống 37,4 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 13 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ tăng 11,3% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy, Việt Nam xuất siêu 42,6 tỉ USD sang thị trường Mỹ. Đồng thời, Mỹ không phải là thị trường nhập khẩu lớn nhất mà là Trung Quốc.
Theo đó, Việt Nam nhập khẩu 68,7 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc, tăng 15,2% so với cùng kì năm ngoái. Điều này khiến Việt Nam nhập siêu 31,3 tỉ USD từ Trung Quốc.
Mặt khác, việc một số doanh nghiệp nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến xuất khẩu có thể sẽ khiến cho phía Mỹ “để mắt” chiêu thức lẩn tránh xuất xứ.
Chẳng hạn liên quan vụ gần 2 triệu tấn nhôm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có nguy cơ giả mạo xuất xứ để xuất đi Mỹ, chia sẻ với giới báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã cảnh báo là cần tránh nhập nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị phía Mỹ đánh thuế cao để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Phân tích từ biểu đồ các vụ việc lẩn tránh thuế với hàng XK của Việt Nam thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng các sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như nhôm, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử, thuỷ sản, gỗ ván ép, lốp xe, pin mặt trời…
Theo Tổng Cục Hải quan, ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bà Caryn McClelland đã kí Hiệp định giữa Việt Nam và Mỹ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.
Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt việc tiếp cận đàm phán Hiệp định một cách cởi mở, tiệm cận với bản chào Hiệp định của phía Mỹ và đã được Chính phủ phê duyệt.
Hiệp định bao gồm nội dung đưa ra các phạm vi hỗ trợ và cách thức thực hiện các yêu cầu hỗ trợ giữa cơ quan hải quan hai nước dưới dạng trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan hải quan.
Huệ Chi