Doanh nghiệp Việt Nam hiện là khu vực đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh đã bày tỏ nỗi lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trước hết, TS Bùi Trinh dẫn số liệu công bố trong Sách Trắng của Tổng cục Thống kê (TCTK) là tỷ lệ doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh so với số doanh nghiệp đang hoạt động càng có xu hướng nhỏ đi, năm 2018 tỷ lệ này chỉ khoảng 85,6%.
Từ đây, TS Bùi Trinh cho rằng, đặt ra chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp dường như chưa đủ mà điều quan trọng là các doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất để tạo ra GDP ra sao.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế dẫn tính toán từ kết quả điều tra doanh nghiệp hàng năm cho thấy hệ số vốn, sản lượng ngày càng tăng. Năm 2011, bình quân cả nước cần 1,44 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần thì đến năm 2017 phải cần 1,65 đồng vốn mới tạo ra 1 đồng doanh thu thuần, hiệu quả giảm khoảng 13%.
Đặc biệt, khu vực sản xuất trong nước là DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng sút giảm. DNNN từ mức 1,8 đồng vốn tạo ra 1 đồng doanh thu thuần năm 2011, đến năm 2017 phải cần tới 3,05 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần.
Trong ba loại hình sở hữu chỉ có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có hiệu quả sử dụng vốn tăng mạnh. Khu vực này năm 2011 cần 1,17 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần, đến năm 2017 chỉ với 1,03 đồng vốn đã tạo ra được 1 đồng doanh thu thuần.
"Xét giai đoạn 2011-2017, hệ số tăng vốn, doanh thu thuần của DNNN lên tới 12,6, đây là một con số đáng báo động về hiệu quả đầu tư của khu vực DNNN. Điều này do thất thoát, lãng phí, đầu tư vào những công trình mà không để làm gì, không làm tăng giá trị tài sản của những chu kỳ sản xuất sau, xây những công trình phúc lợi, công cộng chưa cần thiết như đào đường lấp đường đôi khi cũng làm hiệu quả đồng vốn sụt giảm", vị chuyên gia chỉ rõ.
Ngược lại với hệ số vốn, doanh thu thuần là chỉ số quay vòng vốn. Chỉ số này càng thấp thì càng không hiệu quả. Theo thống kê, chỉ số quay vòng vốn bình quân trong giai đoạn 2011-2015 của DNNN là 0,47 lần và đến năm 2017, chỉ số này là 0,34 lần. Trong khi đó, chỉ số quay vòng vốn bình quân giai đoạn 2011-2015 của doanh nghiệp FDI là 0,88 lần; năm 2017 là 1,06 lần.
"Điều đó cho thấy, DNNN kém hiệu quả nhất và càng ngày càng kém hiệu quả trong sử dụng vốn, trong khi doanh nghiệp FDI sử dụng vốn ngày càng hiệu quả
Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt DNNN, sử dụng vốn không hiệu quả nhưng nguy hiểm là nguồn vốn cơ bản là vốn vay", TS Bùi Trinh nhận xét.
Cũng theo vị chuyên gia, bình quân giai đoạn 2011-2015, trong 100 đồng vốn của DNNN chỉ có 25 đồng là vốn chủ sở hữu, còn 75 đồng là nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn này là 3,02:1, và đến năm 2017 tăng lên 4,2:1. Năm 2011 tỷ lệ này mới chỉ là 3:1, nó được các chuyên gia báo động về việc nợ nần ở mức không an toàn. Với doanh nghiệp ngoài nhà nước, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng đang có xu hướng tăng lên.
TS Bùi Trinh cảnh báo, tình trạng này rất có thể đưa đến tình trạng vỡ nợ nếu không nhanh chóng khắc phục. Đây mới là một trong những vấn đề sống còn chứ không phải việc quy mô GDP là bao nhiêu, tăng trưởng GDP thế nào. Việc đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp cần phải đưa thêm các mục tiêu khác như tỷ lệ doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh và khống chế việc vay nợ.
Lược theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn