Chính sách thương mại của Mỹ tác động bất lợi đến kinh tế thế giới

Chính sách thương mại của Mỹ tác động bất lợi đến kinh tế thế giới
Phát biểu tại hội thảo của Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2020, diễn ra từ ngày 7-10/1, ở Las Vegas của Mỹ, ông Kalish cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới đã chậm lại đáng kể.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo tiến sỹ Ira Kalish, nhà kinh tế trưởng của Deloitte Touche Tohmatsu Limited, một sự thay đổi chính sách thương mại, nhất là ở Mỹ, đã dẫn tới một tác động bất lợi đối với nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2020 diễn ra trong các ngày 7-10/1, ở Las Vegas của Mỹ, ông Kalish cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới đã chậm lại đáng kể.

Theo ông Kalish, Mỹ đã chuyển từ giai đoạn phát triển với chủ trương thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế sang “hướng đi ngược lại.”

Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), áp thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc và các nước khác, “làm suy yếu” Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách từ chối bổ nhiệm các thành viên mới cho Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO khiến cơ quan này không còn có thể phân xử những tranh chấp thương mại giữa các nước.

Trong khi đó, việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và giới doanh nghiệp của Mỹ đang phải trả mức thuế cao hơn - đã ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập và sức mua của họ.

Ông Kalish cho biết cuộc chiến thương mại đã gây ra tình trạng bất ổn đáng kể.

Các doanh nghiệp không biết được liệu thuế sẽ tăng hay giảm, các biện pháp đáp trả nào sẽ được thực hiện nếu Mỹ áp dụng các mức thuế đối với các nước khác như Mexico tương tự như đã áp dụng đối với Trung Quốc.

Theo ông Kalish, tình hình bất ổn rõ ràng đã tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Tình trạng tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp và tăng trưởng thương mại chững lại là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng kinh tế “giảm tốc” ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, chủ yếu do sự “giảm tốc” đáng kể của đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu.

Còn chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng, thị trường nhà đất hồi phục đã giúp nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải.

Trong khi đó, ông Kalish cho rằng mặc dù kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, song chi tiêu tiêu dùng vẫn có triển vọng khả quan./.


Anh Quân

Tags: Kinh Tế Mỹ Chính Sách Thương Mại Của Mỹ Ces Kinh Tế Thế Giới Wto Cuộc Chiến Thương Mại