Ảnh: Internet
Chỉ tính riêng tiền khẩu trang, mỗi tháng gia đình tôi đã phải tốn thêm hơn 150.000 đồng. Ngoài ra, để mỗi mỗi sớm mai thức dậy đỡ mệt mỏi, chúng tôi còn duyệt chi hơn 5 triệu đồng cho một chiếc máy lọc không khí nên tiền điện cũng vì thế tăng theo.
Người lớn đã khổ, trẻ con còn khổ hơn gấp nhiều lần. Hai cô con gái của tôi, thay vì những sớm mai, những buổi tối tung tăng, chạy nhảy, nô đùa với bạn bè dưới sân chung cư thì nay, bị “nhốt cứng” trong nhà, bị “bắt” ngâm chân bằng nước gừng, uống thuốc bổ nhằm tăng sức đề kháng…
Không rõ mức độ tác hại của không khí đến % sức khỏe của con người ra sao, chỉ biết 1 tháng trở lại đây, trong group chát lớp học của hai con gái tôi, ngày nào cũng có phụ huynh nhắn xin nghỉ học. Thậm chí trong tuần qua, có ngày tới 17 phụ huynh nhắn tin xin nghỉ học cho con, với lý do con sốt, ho.
Điều đáng suy ngẫm là trong những ngày ô nhiễm đỉnh điểm (ngày 12 và 13/12), trong khi các chuyên gia liên tục khuyến cáo người dân hạn chế ra đường và hoạt động ngoài trời, thì tuyệt nhiên không thấy chính quyền Hà Nội đưa ra những khuyến cáo cụ thể.
Thành thử, nơi 2 con gái tôi theo học, các cô vẫn cho trẻ xuống sân tập thể dục, hít thở trong buổi sáng “mờ ảo”. Khi tôi thắc mắc, cô giáo giải thích rằng,: “Do phòng với sở không có chỉ đạo gì ”.
“Không có chỉ đạo gì”, cũng là điều người dân, dư luận nhìn thấy từ bộ máy “Hà Nội không vội được đâu”. Điều này trái ngược hoàn toàn với phản ứng của các thành phố lớn khi xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Cụ thể, như tại thành phố Seoul – Hàn Quốc, đầu năm 2019, chính quyền thành phố đã đưa ra hàng loạt các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí như hạn chế phương tiện giao thông, tạm ngưng một số nhà máy nhiệt điện than và giảm lượng bụi do các công trường và nhà máy điện gây ra.
Tại Thái Lan, mới đây Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng phải triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với lãnh đạo của 16 tỉnh và các bộ liên quan để tìm biện pháp đối phó tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô Bangkok và vùng phụ cận.
Mặc dù chỉ số ô nhiễm còn thấp hơn Hà Nội, song Bangkok quyết định tiến hành các chiến dịch phun nước ở quận Laksi và các vùng khác nhằm giảm nồng độ PM2.5 ở xung quanh các trường học và những tuyến đường chính.
Nhắc đến những phản ứng của các thành phố trên, người ta lại nhớ đến những phát ngôn “dậy sóng” của lãnh đạo thủ đô đầu nhiệm kỳ, như: “Hà Nội trồng 1 triệu cây xanh”; “Hà Nội có nước uống tại vòi”; “Thà nghèo nhưng yên bình còn hơn giàu mà không an toàn”… Vậy nên, đã có không ít người đặt vấn đề: Phải chăng lãnh đạo Hà Nội không hít thở cùng bầu trời với người dân?
Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể hơn khắc phục tình trạng ô nhiễm, không thể để ô nhiễm khiến người dân Thủ đô bức xúc như vừa qua.
Tuy nhiên, không hiểu có phải do “nhà bao việc” nên việc giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội thời gian qua dường vẫn chỉ chờ vào “ông trời”, chứ chưa có giải pháp mang tính khẩn cấp để bảo vệ lá phổi của người dân như bảo vệ “nhà máy nước sạch sông Đuống không tính lãi vay vào giá nước”.
Thành thử trên những công trình xây dựng, những lòng đường, vỉa hè bụi vẫn bay mù mịt; thậm chí trong những ngày ô nhiễm kỷ lục, nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn bị đào xới để chôn lấp đường ống, lát đá vỉa hè; những chiếc xe quét rác đắt tiền nhập khẩu từ Đức thay vì hút bụi lại khiến bụi bay mù mịt hơn ... Cứ như này, xem ra màu đỏ và màu tím không khí sẽ còn “thủy chung” với Hà Nội còn lâu và dài.
V.K