Nhận diện xu hướng ngành năm 2020
Trong Báo cáo đánh giá 2019, triển vọng 2020 vừa công bố, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá thị trường cổ phiếu Việt Nam đang ở giai đoạn hiệu chỉnh trong xu hướng tăng trưởng dài hạn.
FPTS kỳ vọng những chuyển biến tích cực hơn có thể xuất hiện trong giai đoạn cuối năm 2020 với mục tiêu kỳ vọng là vùng 1.100 – 1.150 điểm.
Công ty chứng khoán này cho rằng dòng tiền khối ngoại có thể là yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của VN-Index. Cùng với đó, xu hướng đầu tư ngắn hạn trong năm 2020 nhiều khả năng sẽ có sự tương đồng so với năm 2019.
"Thay vì kỳ vọng độ mở của các cơ hội theo chiều rộng thì chúng tôi cho rằng nên tập trung vào tỷ lệ phân phối biến động. Cụ thể, mức độ tập trung cao của các cổ phiếu có xu hướng tăng sẽ tiếp tục nằm ở mức biến động 30 – 50% và đây có thể là mức biến động mục tiêu tham khảo cho các nhà đầu tư theo đuổi chiến lược đi theo xu hướng", FPTS cho biết.
Công ty chứng khoán này tiếp tục đánh giá cao các cổ phiếu có động lực đặc biệt như: tăng trưởng mạnh doanh thu/lợi nhuận, hưởng lợi từ chính sách, tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến hoạt động của các ETFs.
Đặc biệt, FPTS còn đưa ra nhận định xu hướng chi phối từng ngành trong năm 2020.
Ngành xây dựng
FPTS cho rằng nhìn chung, ngành xây dựng Việt Nam có lợi nhuận thấp, áp lực cạnh tranh cao và triển vọng tăng trưởng tương lai giảm dần.
Trong năm 2020, dù biến động chi phí nguyên vật liệu dự kiến thuận lợi, FPTS đánh giá triển vọng của ngành xây dựng ở mức "kém khả quan", do thị trường lớn nhất của ngành xây dựng là nhà ở dự kiến chững lại do các động thái ổn định thị trường bất động sản của Chính phủ.
Cùng với đó, phân khúc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng trưởng thấp bởi nguồn vốn đầu tư công hạn chế và khung pháp lý PPP chưa hoàn thiện.
Trái ngược, xây dựng nhà không để ở dự kiến có tăng trưởng cao trong 2020 nhờ những ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, tuy nhiên có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Ngành thép
Trong năm 2020, ngành thép Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chững lại ở mảng thép xây dựng do ảnh hưởng từ nhu cầu kém tích cực ở thị trường xây dựng dân dụng, động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ xây dựng công nghiệp.
Thêm vào đó, nguồn cung mới từ dự án Dung Quất giai đoạn I và thép nhập khẩu (trong trường hợp thuế bảo hộ không được gia hạn) sẽ khiến áp lực cạnh tranh gia tăng.
Ở mảng thép dẹt, FPTS đánh giá các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng có tiềm năng phát triển tích cực do nhu cầu nội địa lớn và gia tăng bảo hộ thương mại với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép, thép cán nguội dự báo sẽ hạn chế mở rộng công suất và tập trung cải thiện khả năng vận hành. Thị trường nội địa sẽ là trọng tâm khi các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi bảo hộ thương mại.
Với các xu hướng trên, FPTS đánh giá ngành thép sẽ bước vào giai đoạn "tái cấu trúc". Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gia tăng đáng kể. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, với chuỗi giá trị từ thượng nguồn sẽ có tiềm năng phát triển tích cực và tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần.
Ngành xi măng
Trên phương diện tổng quan, FPTS đánh giá triển vọng ngành xi măng cho giai đoạn 2020 ở mức "tiêu cực" do chịu sự chi phối từ 3 xu hướng chính:
Thứ nhất, mặc dù đã có hồi phục về hoạt động kinh doanh của toàn ngành trên cơ sở gia tăng xuất khẩu, tuy nhiên, động lực tăng trưởng này chỉ mang tính chất ngắn hạn khi sản lượng xuất khẩu ở hai thị trường chính là Phillipines và Bangladesh có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ mức thuế mới áp dụng trong năm nay.
Thứ hai, việc IPO của VICEM – tổng công ty sản xuất xi măng lớn nhất cả nước, vốn là điểm nhấn đầu tư của ngành xi măng trong năm 2020 có thể sẽ bị trì hoãn, làm giảm đi sức hấp dẫn của các cổ phiếu trong ngành.
Thứ ba, các chính sách thắt chặt về môi trường đang được xem xét áp dụng chặt hơn cho năm 2020 do ảnh hưởng từ hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề trong năm 2019, sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ngành gạch ốp lát
Trên phương diện tổng quan, FPTS đánh giá triển vọng ngành gạch ốp lát cho giai đoạn 2020 ở mức "tiêu cực".
Cụ thể, tăng trưởng nhu cầu gạch ốp lát kỳ vọng ở mức thấp khi tốc độ tăng trưởng thị trường xây dựng dân dụng nhà để ở năm 2020 (thị trường tiêu thụ chính của gạch ốp lát) dự báo đạt 6,3%; thấp hơn mức trung bình 9%/năm của giai đoạn trước.
Thêm vào đó, tình trạng dư cung và khác biệt sản phẩm thấp sẽ tiếp tục khiến giá bán giảm trong năm 2020. Do mới chỉ có rất ít các doanh nghiệp bước đầu tạo được sự khác biệt về sản phẩm nhằm chuyển đổi phân khúc để giảm áp lực cạnh tranh nên nhìn chung trong năm 2020, tình hình kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngành nhựa
Trong năm 2020, ngành nhựa được FPTS kỳ vọng "duy trì tăng trưởng" với một số yếu tố hỗ trợ.
Theo đó, tăng trưởng chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống không cồn và tăng trưởng xây dựng là động lực chính cho mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng.
Năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa nguyên sinh trong nước được cải thiện cũng giúp ngành này giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu nhựa nguyên sinh duy trì xu hướng giảm trong ngắn hạn còn giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Ngành hàng không
Năm 2020, ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ có mức độ chững lại trong tăng trưởng, "kém khả quan" hơn năm 2019 nhưng theo FPTS, lại là năm bản lề cho cục diện của mảng vận tải hàng không. Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường sẽ định hình lại cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các hãng hàng không.
Chi tiết hơn, mảng vận tải hàng không vẫn được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng hành khách. Các hãng hàng không hiện tại chịu áp lực cạnh tranh từ các hãng hàng không mới gia nhập. Mức độ phân hóa ngày càng lớn với các phân khúc khách hàng khác nhau, mở rộng thêm hình thức charter (Viettravel Airlines phục vụ cho khách du lịch).
Ở mảng cảng hàng không, ACV sẽ tiếp tục quá trình nâng cấp và mở rộng hệ thống sân bay.
Ngoài ra, mảng nhà ga hàng hóa và dịch vụ hàng không vẫn là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác nhà ga hàng hóa sẽ kỳ vọng sản lượng đến từ sự phát triển của thương mại điện tử.
Ngành phân bón
Năm 2020, ngành phân bón Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục xu hướng sử dụng phân bón chất lượng cao kết hợp phân hữu cơ, vi sinh dần định hình nền sản xuất nội địa.
Nhu cầu phân bón được kỳ vọng sẽ tăng chậm, ổn định ở nhóm phân đơn, nhu cầu phân phức hợp NPK nhạy cảm với yếu tố thời tiết, khí hậu. Tỷ suất lợi nhuận ngành kỳ vọng cải thiện nhẹ do giá phân bón dự báo tăng và tình hình tiêu thụ tốt hơn.
FPTS đánh giá, khả năng chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi có hiệu lực trong năm 2020 là không cao do Quốc hội còn phải thảo luận và cho ý kiến các điều luật khác, nếu được thông qua thì ít nhất luật này sẽ có hiệu lực vào năm 2021.
Với các xu hướng trên, FPTS cho rằng ngành phân bón Việt Nam năm 2020 kỳ vọng "tích cực hơn" so với 2019. Thời tiết thuận lợi hơn tạo điều kiện cho canh tác nông nghiệp, tình hình tiêu thụ sản phẩm ngành phân bón trong nước kỳ vọng được cải thiện trong năm 2020.
Ngành mía đường
Trong năm 2020, FPTS cho rằng ngành mía đường Việt Nam tiếp tục "tiêu cực" do cạnh tranh với đường Thái Lan.
Giá đường được dự báo khó phục hồi. Ngành đường Việt Nam sẽ có sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ với sức cạnh tranh kém sẽ bị đào thải và nhường lại thị phần cho những doanh nghiệp có khả năng kiểm soát giá thành, cũng như tận dụng được chuỗi giá trị, phát triển các sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, một số rủi ro đầu tư vào ngành mía đường bao gồm: rủi ro đường Thái Lan nhập lậu; rủi ro biến động giá đường thế giới; rủi ro thời tiết tác động đến vùng nguyên liệu mía.
Ngành thủy sản
Với tình hình hoạt động xuất khẩu hiện tại và các yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới, FPTS đánh giá ngành thủy sản Việt Nam nói chung, mảng tôm và cá tra nói riêng trong năm 2020 sẽ diễn biến theo xu hướng "tích cực hơn" so với năm 2019.
Xu hướng này được hỗ trợ bởi vùng nuôi nguyên liệu của các doanh nghiệp ngày càng được mở rộng và đầu tư theo hướng nuôi trồng công nghệ cao, giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ tự chủ, hạn chế ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu mua ngoài, đồng thời giúp chủ động hơn trong công tác quản lý, kiểm soát giá thành sản xuất.
Song song, giá bán xuất khẩu được kỳ vọng dần ổn định do hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu bắt đầu sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh gia tăng nhờ sự hỗ trợ đáng kể của các Hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, cấp thiết là giải quyết bài toán giảm giá thành sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn tại các thị trường xuất khẩu.
Ngành dược phẩm
FPTS cho rằng năm 2020, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục "tích cực" với các xu hướng chi phối sau:
Thứ nhất, chi phí nguyên liệu tiếp tục chịu rủi ro tăng giá từ các nguồn cung cấp chủ lực tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Thứ hai, tiêu chuẩn sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng tiếp tục được quản lý chặt chẽ hơn.
Thứ ba, nhu cầu tiêu thụ dược phẩm tăng chậm, tăng đồng thời già hóa của dân số Việt Nam và xu hướng của các bệnh không truyền nhiễm.
Thứ tư, ộng lực tăng trưởng ngành đến từ tiêu thụ dược phẩm ở kênh ETC, trong đó doanh thu từ mảng thuốc Generic sẽ đóng vai trò chính.
Với các xu hướng trên, FPTS đánh giá chỉ các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đầu tư cho chất lượng (EU- GMP cấp bởi SRA đối với doanh nghiệp sản xuất Tân dược, WHO-GACP đối với doanh nghiệp sản xuất Đông dược, HS-GMP đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng) mới có thể mở rộng quy mô (đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung), tham gia các thị trường mới (các nhóm thầu cao ở kênh ETC, thị trường xuất khẩu) và tận dụng các ưu tiên về chính sách để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Ngành dệt may
Năm 2020, ngành dệt may Việt Nam được đánh giá sẽ "kém khả quan hơn".
Cụ thể, chiến tranh thương mại leo thang tiếp tục khiến nhu cầu dệt may toàn cầu chững lại, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do sẽ là động lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, hạn chế bớt tác động tiêu cực từ thương chiến.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp sản xuất sợi tổng hợp sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như các doanh nghiệp sản xuất sợi cotton, đồng thời được hưởng thuế 0% từ các FTA và khả năng bán sợi cho các doanh nghiệp dệt nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ của CPTPP.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp may có chuỗi giá trị hoàn thiện sợi – dệt nhuộm – may do đáp ứng được quy tắc xuất xứ của CPTPP cũng được hưởng lợi.
Ngành điện
Nhìn chung, hoạt động của ngành điện trong năm 2020 được dự báo "tích cực hơn" so với năm 2019.
Những xu hướng chính được dự báo sẽ diễn ra trong năm 2020 gồm: tăng trưởng công suất nguồn điện chủ yếu tới từ những dự án điện tái tạo, trong đó tiêu điểm là điện gió; nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, tăng trưởng dự tính khoảng 11%; và các nhà máy điện được tiếp tục huy động ở mức cao, đặc biệt là ở nhóm nhiệt điện dầu (hoặc nhà máy điện khí chạy dầu) nhằm đáp ứng nhu cầu điện cả nước.
Thanh Long