Các khu công nghiệp là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp FDI vào đầu tư ở Đồng Nai. Ảnh: V.Gia
Cùng với cả nước, là địa phương có số lượng DN FDI đông đảo, Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi cần có sự quan tâm đặc biệt và những giải pháp hiệu quả nhằm chống thất thu thuế từ khối DN này.
* Hàng loạt “ông lớn” bị phạt “khủng”
Cuối tháng 12-2019, Tổng cục Thuế đã xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỷ đồng. Cụ thể, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỷ đồng, trong đó, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng.
Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16-12-2019. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng.
Không chỉ riêng Coca Cola Việt Nam, mà trong năm 2019, qua thanh tra kiểm tra, cơ quan thuế liên tục phát hiện và ra quyết định truy thu thuế hàng ngàn tỷ đồng với nhiều doanh nghiệp FDI khác. Một “ông lớn” nữa trong ngành đồ uống là Heineken bị truy thu, xử phạt lên tới cả gần ngàn tỷ đồng. Cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific có trụ sở tại Singapore đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty Nhà máy bia Heineken Việt Nam với giá trị giao dịch tới hơn 4.800 tỷ đồng nhưng không đóng thuế. Cuối năm 2019, qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã yêu cầu DN này đóng trên 916 tỷ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách.
Trước đó, nhiều DN FDI khác đã bị truy thu thuế như Công ty Holcim Việt Nam 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered bị truy thu 19 tỷ đồng… Năm 2019, riêng tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là trên 64.525 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, phương thức lẩn tránh thuế của các DN FDI thường là chuyển nhượng vốn góp với giá cao, hoặc kê khai giá đầu vào rất cao dẫn đến bị lỗ để trốn thuế. Việc này dẫn đến nguồn thu thuế từ các DN đạt thấp, không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của một nhà đầu tư khi làm ăn tại Việt Nam.
Để tăng chế tài xử phạt, răn đe các DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu trong năm 2020, Tổng cục Thuế phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020). Đặc biệt, ngành Thuế phải tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro.
* Vất vả giải quyết
Tại Đồng Nai, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, mỗi năm có đến cả trăm DN FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ. Đơn cử như năm 2018, có đến 30 DN báo cáo thua lỗ nặng. Một số khoản lỗ đã vượt quá so với vốn đầu tư. DN thua lỗ bỏ về nước thì sẽ để hậu quả rất lớn, từ tiền nợ lương của công nhân, thuế, bảo hiểm xã hội, vốn vay ngân hàng... Phần giải quyết những rắc rối còn lại sẽ thuộc về tỉnh và nếu không làm tốt, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh trật tự xã hội.
Tại Đồng Nai, 3 trường hợp đều là DN Hàn Quốc thuê nhà xưởng hoạt động nhưng bị thua lỗ, nợ thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng một khoản lớn không đủ khả năng chi trả đã bỏ trốn là Công ty TNHH KL Texwell Vina ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Công ty TNHH một thành viên Cho Won ở Khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), Công ty TNHH Kumsung Vina ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Riêng Texwell Vina, chủ bỏ trốn ngay đúng những ngày chuẩn bị Tết, hàng ngàn công nhân không được nhận tiền lương, tiền thưởng… khiến tỉnh phải vất vả giải quyết và thời gian xử lý kéo dài hàng tháng trời.
Để hạn chế tình trạng trên, năm 2019, Cục Thuế đã tổ chức 180 cuộc thanh, kiểm tra về thuế tại các DN FDI. Có DN khai báo lỗ hàng chục tỷ đồng, sau thanh tra, đối chiếu chứng từ, sổ sách thì số lỗ của DN chỉ chiếm vài chục phần trăm so với dự kiến. Những trường hợp này, ngành Thuế bắt buộc DN phải điều chỉnh, giảm lỗ.
Qua thanh tra giá chuyển nhượng, Cục Thuế tỉnh cũng đã ban hành 35 quyết định xử lý, truy thu và xử phạt 573 tỷ đồng. Việc phát hiện và xử phạt vi phạm của các DN chuyển giá đã làm giảm lỗ 774 tỷ đồng. Tính từ năm 2016 đến nay, thanh tra giá chuyển nhượng của Đồng Nai truy thu thuế và phạt trên 1.240 tỷ đồng, đồng thời ngăn được DN báo cáo lỗ gần 8.600 tỷ đồng.
* Vẫn đối mặt nhiều khó khăn
Nhìn một cách tổng thể các yếu tố cấu thành nên nguồn thu nội địa của Đồng Nai qua các năm thì thu từ các DN FDI chiếm tỉ trọng khá lớn (năm 2016 là 41%; 2 năm 2017 và 2018 cùng chiếm 35% và năm 2019 là 30% tổng nguồn thu nội địa). Từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2019, số lượng DN FDI của Đồng Nai cũng tăng từ 1.287 lên 1.556, bình quân mỗi năm tăng thêm được 7% số lượng DN và khoảng 2% số vốn.
Đối với các DN mới này, theo ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, mặc dù số lượng dự án ngày càng tăng lên nhưng thực tế, các dự án mới phải 2-3 năm sau mới đi vào hoạt động và phát sinh nộp ngân sách nhà nước. Chưa kể các trường hợp kinh doanh báo lỗ thì quá trình này còn kéo dài. Hầu hết các DN FDI mới này đều xuất khẩu nên không phải chịu thuế GTGT với thuế suất 0%. DN mới thành lập đa số là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài nên được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm giảm thuế phải nộp nội địa.
Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực để thu thuế GTGT, thuế thu nhập DN từ các DN đang hoạt động nhưng con số thực thu hằng năm so với dự toán pháp lệnh được giao còn đạt thấp. Với thuế thu nhập DN, năm 2016 Đồng Nai được giao thu 8.070 tỷ đồng; năm 2017 là 9.240 tỷ đồng; 10.549 tỷ đồng cho năm 2018 và 9.361 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, con số thu được chỉ tăng từ 7.425 tỷ đồng năm 2016 lên 7.953 tỷ đồng năm 2019, không đạt như mong muốn. Tương tự, thu thuế GTGT cũng rất chật vật.
Điều này cho thấy nguồn thu nội địa của Đồng Nai thiếu sự bền vững do thu từ sản xuất, kinh doanh của các DN FDI trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với nhiệm vụ được giao một mức khá lớn. Tổng thu thuế nội địa các loại của DN FDI năm 2019 là 11.495 tỷ đồng, bằng với năm 2018 nhưng chỉ đạt 81% so với dự toán pháp lệnh.
“Mặc dù năm 2019 và trước đây, chúng tôi đã triển khai rất nhiều giải pháp trong công tác thanh, kiểm tra, tăng cường thu hồi nợ, hạn chế phát sinh nợ mới nhưng công tác thu còn gặp nhiều khó khăn. Sự đóng góp của khối FDI chưa tương xứng với thực tế, chưa kể tình trạng trốn thuế, gian lận và những nguyên nhân khác đẫn đến việc tăng thu từ các DN thuộc khối này không đạt kết quả được giao” - Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Công cho hay.
Năm 2020 phấn đấu thu trên 12 ngàn tỷ đồng từ các DN FDI
Theo Cục Thuế Đồng Nai, nếu tính số liệu 2019 và dự kiến khai thác thêm từ thanh, kiểm tra cộng với tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát… tại Đồng Nai thì số thu dự kiến năm 2020 là 12.083 tỷ đồng. Trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp và GTGT là 11.223 tỷ đồng, còn lại là từ nguồn thanh, kiểm tra cũng như thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt. So với chỉ tiêu, pháp lệnh được giao là 12.085 tỷ đồng thì con số thu dự kiến này sẽ xấp xỉ đạt được. Tuy nhiên, do những năm trước đây chỉ tiêu giao quá cao, do đó ngành thuế phải nỗ lực để rà soát thu sát với số phát sinh trong năm, dẫn tới việc ảnh hưởng số thu trong những năm tiếp theo. Để đạt được dự toán, cần phải thực sự nỗ lực với nhiều giải pháp và quyết tâm của toàn ngành.
Văn Gia