Đại gia thuỷ sản Dương Ngọc Minh
Diễn biến cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Thuỷ sản Hùng Vương đã có chuyển biến tích cực hơn vào cuối phiên chiều 6/12. Mã này tăng nhẹ 0,12% lên 8.700 đồng và đạt được mức tăng hơn 56% trong vòng 1 tháng giao dịch. Trước đó, mã này đã đạt đỉnh 8.770 đồng trong ngày 4/12 trước khi để mất 0,91% phiên 5/12.
Một thông tin gây chú ý đối với cổ phiếu HVG thời gian này đó là kế hoạch bán cổ phiếu quỹ. Tập đoàn này dự kiến đưa toàn bộ 5 triệu cổ phiếu quỹ ra bán nhằm tăng lượng cổ phiếu lưu hành, bổ sung nguồn vốn kinh doanh của công ty.
Thời gian giao dịch dự kiến từ 11/12/2019 đến 9/1/2020 theo phương thức khớp lệnh hoặc/và thỏa thuận. Giá bán không thấp hơn 4.000 đồng/cổ phiếu và tuân theo quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.
Mức giá tối thiểu mà HVG đưa ra chỉ bằng phân nửa so với mức giá hiện tại của HVG. Như vậy, doanh nghiệp của đại gia dự kiến thu về ít nhất 20 tỷ đồng nếu như đợt chào bán số cổ phiếu quỹ này thành công.
Mặc dù diễn biến phiên cuối tuần (6/12) không thuận lợi, thị trường giằng co và chịu áp lực bán đáng kể, tuy nhiên, các chỉ số vẫn đạt được trạng thái tăng giá.
VN-Index tăng 0,29 điểm tương ứng 0,03% lên 963,56 điểm còn HNX-Index tăng 0,13 điểm tương ứng 0,13% lên 102,5 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,11% lên 55,92 điểm.
Thanh khoản cũng chỉ duy trì ở mức khiêm tốn với 171,81 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.870,32 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 15,55 triệu cổ phiếu tương ứng 174,45 tỷ đồng và trên UPCoM là 5,82 triệu cổ phiếu tương ứng 72,43 tỷ đồng.
Khớp lệnh trên thị trường vẫn tập trung tại ROS. Mã này gây chú ý với khối lượng khớp lên tới 31,13 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, HAI, HPG, FLC, VRE cũng có nhịp độ giao dịch sôi động hơn so với mặt bằng chung.
Độ rộng thị trường tuy nghiêng về phía các mã tăng nhưng chênh lệch không đáng kể. Theo thống kê, toàn thị trường hôm qua có 301 mã tăng giá, 54 mã tăng trần và 294 mã giảm, 36 mã giảm sàn.
Nếu như phía tăng có sự góp mặt của HPG, SAB, CTG, MSN, NVL, VCB và có ảnh hưởng tích cực đến diễn biến chỉ số chính VN-Index thì chiều ngược lại, VNM, BID, HVN, VJC, TCB, BVH, VCI lại giảm, có ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường chung.
Nhìn lại một tuần giao dịch đã qua, BVSC cho biết, VN-Index có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm trước khi kết thúc tuần ở mức 963,56 điểm, giảm 7,19 điểm tương đương 0,74% so với cuối tuần trước.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đóng cửa tuần ở mức 102,5 điểm, bằng với mức điểm kết thúc tuần trước.
Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VNM, MSN và GAS khi lấy đi của chỉ số lần lượt 2,66, 2,56 và 1,41 điểm. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index tuần qua là SAB, HPG và HDB khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,32, 0,81 và 0,37 điểm tăng.
Trên sàn HSX, khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên trong tuần qua đều có sự cải thiện so với tuần trước đó, mức tăng lần lượt là 12,16% và 24,66% lên 210 triệu cổ phiếu và 5.034 tỷ đồng mỗi phiên. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán ròng trên sàn HSX với giá trị hơn 529 tỷ đồng.
Nhóm phân tích dự báo, tuần tới, VN-Index sẽ có diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng 950-970 điểm. Sự phá vỡ một trong hai điểm cận của vùng giá đi ngang này sẽ mở ra một xu hướng biến động mới cho chỉ số trong ngắn hạn.
BVSC kỳ vọng rằng, thị trường có thể đã tìm thấy sự cân bằng ngắn hạn tại vùng hỗ trợ quanh 950 điểm và nhiều khả năng sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự 970 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 980-985 điểm trong ngắn hạn.
Về mặt thời gian, thị trường được cho là sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong giai đoạn nửa cuối tháng 12, đặc biệt là sau khi kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs qua đi. Trong kịch bản hồi phục như dự kiến, kỳ vọng thị trường sẽ thử thách lại vùng kháng cự 990-995 điểm trong thời gian tới.
Mai Chi