Ngày 22/12, trả lời VTC News về việc xử lý vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, cho biết, theo khoản 1, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định.
Trường hợp quyết định có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì phải thực hiện theo thời hạn đó. Trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
“Sau khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì theo luật, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư Mường Thanh Sơn Trà) có quyền khiếu nại, khởi kiện. Tuy nhiên, dù khiếu nại hay khởi kiện thì doanh nghiệp vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt”, luật sư Trần Hậu nói.
Luật sư cũng cho biết, Đà Nẵng chỉ phải tạm đình chỉ cưỡng chế với Mường Thanh Sơn Trà khi áp dụng khoản 3, Điều 15 Luật Xử lý vi phạm Hành chính 2012: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện, nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) giải thích thêm, với vụ Mường Thanh Sơn Trà, hiện nay hồ sơ khởi kiện được nộp cho tòa án nên cơ quan giải quyết việc khởi kiện là tòa án phải xem xét, đánh giá hồ sơ, chứng cứ và các vấn đề liên quan để xem xét có tạm đình chỉ thi hành quyết định buộc tháo dỡ công trình hay không.
“Trình tự thủ tục thực hiện việc tạm đình chỉ hay không được thực hiện theo Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015. Theo điều 66 luật này thì người khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính quy định tại Điều 68 Luật TTHC để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”, luật sư Lê Cao giải thích.
Cũng theo luật sư Lê Cao, trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho tòa án đó.
“Như vậy, doanh nghiệp có quyền nộp đơn đề nghị tòa án tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Điều 69 Luật TTHC năm 2015 nêu rõ, trường hợp tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục", luật sư Lê Cao nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hậu cho rằng, việc có áp dụng biện pháp tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính hay không phải được tòa án thụ lý vụ kiện xem xét và quyết định.
“Không cứ doanh nghiệp mang đơn ra kiện là việc xử lý, cưỡng chế phần xây dựng trái phép của Mường Thanh Sơn Trà buộc phải dừng lại. Tòa án áp dụng việc tạm đình chỉ quyết định hành chính cũng phải dựa trên cơ sở, đánh giá cẩn trọng để đảm bảo việc giải quyết vụ án được đúng đắn”, luật sư Trần Hậu nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư này, khi chưa có bất kỳ văn bản có tính hiệu lực pháp luật nào từ tòa án đình chỉ thi hành các quyết định hành chính về xử lý vi phạm xây dựng của Mường Thanh Sơn Trà, quyết định hành chính của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vẫn phải được thi hành.
“Nếu doanh nghiệp không thi hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định. Trong trường hợp có căn cứ, tòa án có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì việc đó mới được ngừng lại”, luật sư Trần Hậu nói.
XUÂN TIẾN