Điểm mấu chốt là họ đang thông báo với các doanh nghiệp rằng thuế không chỉ sẽ không tăng nữa, mà còn giảm xuống. Tác động lớn nhất là doanh nghiệp sẽ tăng chi tiêu khi niềm tin quay lại", Daniel Clifton – Giám đốc Nghiên cứu Chính sách tại Strategas cho biết.
Chỉ số S&P 500 từng được dự báo chỉ tăng 5% năm 2020. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận dự báo của doanh nghiệp tăng, con số này cũng sẽ lên theo. "Khi mọi người tự tin hơn và tốc độ tăng trưởng dự báo cao lên, Wall Street cũng sẽ đi theo", James Paulsen – chiến lược gia tại Leuthold Group cho biết.
Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters
Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường tại Prudential Financial cũng cho rằng sự thay đổi trong giọng điệu của hai nước sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu. "Vấn đề là nếu căng thẳng gia tăng, niềm tin tại Mỹ sẽ lao dốc, kinh tế Trung Quốc chịu thêm sức ép và kinh tế Mỹ cũng vậy. Trung Quốc – với vai trò là nền kinh tế lớn nhì thế giới, đang là động lực cho thương mại toàn cầu. Đạt thỏa thuận sẽ gỡ bỏ sức ép với quốc gia này, giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại và công ty Mỹ cũng bán được nhiều hàng hơn sang đây", ông nói.
Chứng khoán Mỹ hôm qua tăng nhẹ, sau khi cả Mỹ và Trung Quốc xác nhận đã đồng ý thỏa thuận sơ bộ, ngừng áp thuế mới và rút bớt thuế hiện hành. Mỹ cho biết thuế nhập khẩu với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 7,5%. Trong khi đó thuế 25% áp với 250 tỷ USD hàng hóa khác vẫn giữ nguyên.
Chỉ số S&P 500 hôm qua tăng 0,23% chốt phiên. Tổng cộng cả tuần, chỉ số này tăng 0,7% và cả năm là 26%, nhờ kỳ vọng Mỹ - Trung "đình chiến".
Mức tăng đầu phiên hôm qua của Wall Street dần biến mất về cuối. "Nhà đầu tư rõ ràng đã mua vào khi nghe tin đồn, và bán ra khi thông tin đó được xác nhận. Tôi cho rằng tin tức tuyệt vời nhất mà chúng ta đều bỏ qua chính là sẽ không có đợt áp thuế ngày 15/12 nữa và căng thẳng không còn leo thang", Art Hogan – chiến lược gia thị trường tại National Securities nói.
Giới phân tích nhận định chứng khoán Mỹ gần đây đi lên nhờ kỳ vọng thỏa thuận thương mại và không áp thuế mới. Vì thế, nếu Mỹ thực sự áp thuế vào Chủ nhật này như đe dọa, thị trường sẽ phản ứng rất mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thất vọng phần nào vì không có tin tức Mỹ sẵn sàng giảm nửa số thuế cho Trung Quốc.
Thông tin cụ thể về thỏa thuận được đưa ra rất ít. Dù vậy, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm một số nông sản từ Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Trung Quốc có thể mua thêm 40 tỷ USD. Giới chức kỳ vọng việc đàm phán giai đoạn hai sẽ sớm bắt đầu. Và thuế nhập khẩu vẫn được giữ để làm lợi thế cho các vòng đàm phán sau.
Lighthizer cho biết thỏa thuận có thể được ký vào tháng 1. Kim ngạch thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể tăng thêm 200 tỷ USD trong vòng 2 năm, và thâm hụt cũng sẽ đi xuống.
Nhà kinh tế học tại Citigroup Cesar Rojas cho rằng khả năng hạ nhiệt căng thẳng của chiến tranh thương mại sẽ hỗ trợ tâm lý bản năng trên thị trường, và củng cố đà phục hồi của ngành sản xuất. "Nhìn chung, chúng ta đã có được điều mình mong đợi, là không áp thuế tháng 12. Trong tương lai, thuế nhập khẩu có thể được gỡ bỏ nhiều hơn nữa", ông nói.
Thị trường giờ sẽ tập trung tìm kiếm manh mối về việc liệu hai nước có khả năng đạt thỏa thuận sâu hơn về các vấn đề cốt lõi như sở hữu trí tuệ hay công nghệ hay không. Nhưng ít nhất thì hiện tại, giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, và tự tin chi tiêu hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề khó giữa hai nước sẽ tiếp tục được chú ý và có thể gây biến động thị trường. Đó là an ninh quốc gia, công nghệ và Hong Kong.
Tom Block – chiến lược gia chính sách tại Fundstrat Washington thì đồng tình rằng điểm sáng của thỏa thuận là căng thẳng sẽ không leo thang nữa. "Đây có phải điểm tích cực không? Chắc chắn là có. Nhưng những điều này có chắc chắn không? Không! Vì Tổng thống coi sự bất ngờ và khó đoán là nền tảng trong kỹ năng đàm phán của ông ấy. Thị trường vẫn phải tiếp tục nghi ngờ và quan sát điều gì sẽ xảy đến tiếp theo", ông nói.
Hà Thu (theo CNBC)