Cổ phiếu châu Á tăng mạnh sau tuyên bố trấn an của WHO về sự tăng đột biến ca nhiễm COVID-19

Cổ phiếu châu Á tăng mạnh sau tuyên bố trấn an của WHO về sự tăng đột biến ca nhiễm COVID-19
Chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên 14/2 khi nhà đầu tư hy vọng vào các gói kích thích kinh tế mạnh mẽ của các nước nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Chứng khoán châu Á đồng loạt leo dốc trong phiên 14/2, ngay cả khi diễn biến dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) tiếp tục gây ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.
Phiên giao dịch khởi sắc của hầu hết các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán châu Á chủ yếu có được khi các nhà đầu tư chờ đợi cắt giảm thuế Trung Quốc đối với một số sản phẩm của Mỹ.
Các chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc đại lục tăng điểm với chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1%, chỉ số Thâm Quyến tăng 0,452% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến tăng 0,51%. Tại sàn  Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng nhích 0,33%.

Chứng khoán châu Á quay đầu đi lên trong phiên 14/2.
Chứng khoán châu Á quay đầu đi lên trong phiên 14/2.

Tuy nhiên tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 0,56% do cổ phiếu của Fast Retailing chiếm tỷ trọng lớn, trong khi chỉ số Topix cũng mất 0,59%. Cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô Nissan mất hơn 9% giá trị sau khi hãng này giảm dự báo tăng trưởng doanh thu tới 40% trong năm nay.
Chỉ số Kospi tại thị trường Hàn Quốc đã tăng 0,42% sau khi giảm điểm ở phiên trước. Trong khi đó S&P/ASX 200 tại thị trường Australia leo dốc 0,25%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường tăng 0,3%.
Thời điểm Trung Quốc giảm 50% mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD có hiệu lực vào hôm nay (14/2). Các dòng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ giảm từ 10% xuống 5%, và từ 5% xuống còn 2,5% theo công bố của Bộ tài chính Trung Quốc đầu tháng này.
Bên cạnh đó, đà phục hồi của phần lớn các thị trường chứng khoán trong khu vực đạt được cũng nhờ sự kỳ vọng của giới đầu tư vào các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới khi dịch COVID-19 chưa được kiếm soát.
Nhà chiến lược cao cấp Yukino Yamada của Daiwa Securities cho biết Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ và cung cấp nhiều thanh khoản hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo nhà chiến lược Ryutaro Kimura tại Axa Investment Management, sự bùng phát dịch COVID-19 ​​sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu vì Trung Quốc hiện chiếm khoảng 17%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chỉ 4% trong đợt dịch SARS hồi năm 2002 - 2003.
“Điều này cũng có nghĩa là các nước có khả năng tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian dài hơn, giữ lãi suất trái phiếu toàn cầu ở mức thấp, với kỳ vọng trên sẽ hỗ trợ cho thị trường cổ phiếu toàn cầu” - chuyên gia Ryutaro Kimura cho hay.
Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi kỹ càng diễn biến của dịch COVID-19 sau khi số trường hợp tử vong tại Trung Quốc tăng đột biến theo báo cáo công bố hôm 13/2.
Tuy nhiên, tâm lý trên thị trường được cải thiện phần nào trong phiên ngày 14/2 sau tuyên bố giải thích của một quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tăng  kỷ lục số ca tử vong vì COVID-19 và nhiễm bệnh tại Trung Quốc.
Ông Michael Ryan - Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, hôm 13/2 nói rằng số lượng người nhiễm COVID-19 được báo cáo ở Trung Quốc do thay đổi phương pháp thống kê không hẳn cho thấy “phần nổi” của đại dịch lớn hơn.
Ông Michael Ryan cho biết hơn 13.300 trường hợp được báo cáo ở tỉnh Hồ Bắc chỉ sau 1 đêm là do thay đổi về cách tính toán để bao gồm cả những bệnh nhân đã có kết quả chụp CT phổi nhưng chưa có kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Ngoài ra, Trung Quốc báo cáo tổng số 46.550 trường hợp được xác định bằng kết quả trong phòng thí nghiệm kể từ khi dịch bệnh nổ ra vào tháng 12. Theo chuyên gia này cho biết số ca nhiễm bệnh không tăng bất thường ngoài Trung Quốc, ngoại trừ những hành khách trên du thuyền Diamond Princess, đang bị cách ly ngoài cảng Yokohama của Nhật Bản.
Theo báo cáo mới nhất, số người thiệt mạng do COVID-19 và người nhiễm bệnh tại tỉnh Hồ Bắc trong ngày 13/2 đã giảm một nửa so với mức tăng kỷ lục trước đó 1 ngày.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 14/2 cho biết đã ghi nhận 5.090 ca nhiễm mới và 121 ca tử vong trong ngày 13/2 tại Trung Quốc đại lục. Riêng tại tỉnh Hồ Bắc, con số này là 116 ca tử vong và 4.823 ca nhiễm mới. NHC cũng cho biết thêm rằng số ca nhiễm COVID-19 (nCoV) bên ngoài "tâm dịch" Hồ Bắc đã giảm ngày thứ 10 liên tiếp. Tổng cộng 267 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 13/2 ở ngoài tỉnh Hồ Bắc.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên mức 99,122 điểm sau khi giảm còn 99,101 điểm trong phiên trước đó.

Nguyễn Thu

Tags: Cổ Phiếu Châu Á Who Covid-19 Chứng Khoán Châu Á