Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm trong tháng vừa qua (giảm 6,9% so với tháng trước) nhưng tính chung 11 tháng năm 2019, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là nhóm hàng có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch cao là: điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 48,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,42 tỷ USD, tăng 19,4%; hàng dệt may đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8%; giày dép đạt 16,49 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,47 tỷ USD, tăng 9,8%...
Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản có xu hướng giảm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng trong tháng 11 đạt 2,19 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng trước nhưng tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 23,134 tỷ USD, chiếm 9,58% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,2% so với cùng kỳ.
Có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thủy sản giảm 2,3%, rau quả giảm 2,4%, cà phê giảm 22,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,3%.
Một số mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch do giá giảm như: Hạt điều, hạt tiêu, gạo. Riêng hai mặt hàng cao su và chè tăng cả về lượng lẫn trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030.
Hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đóng vai trò quan trọng, kéo theo xuất khẩu của cả nước tăng trưởng.
Nguyễn Thanh