Thị trường chứng khoán khởi động phiên đầu tuần sáng nay (9/12) với diễn biến có phần trái ngược giữa hai sàn cơ sở.
Nếu VN-Index xác định đà tăng khá rõ nét, tạm đóng với mức tăng 3,72 điểm, tương ứng 0,39% lên 967,28 điểm thì HNX-Index lại khá chật vật quanh ngưỡng tham chiếu, ghi nhận giảm 0,18 điểm tương ứng 0,17% còn 102,32 điểm trước khi bước vào phiên giao dịch chiều. Trên UPCoM, chỉ số cũng chỉ nhích nhẹ 0,02 điểm, tương ứng 0,03% lên 55,94 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản lại có sự tăng vọt trên HSX so với những phiên trước đó. Khối lượng giao dịch tại sàn này sáng nay lên tới 144,85 triệu cổ phiếu tương ứng 2.158,81 tỷ đồng. Trong khi các con số này trên HNX là 10,96 triệu cổ phiếu tương ứng 120,75 tỷ đồng và trên UPCoM chỉ là 2,45 triệu cổ phiếu tương ứng 38,57 tỷ đồng.
Trên quy mô toàn thị trường vẫn còn tới 986 mã không xảy ra giao dịch. Thanh khoản đang tập trung tại TTB của Tập đoàn Tiến Bộ. Mã này đang được khớp lệnh cao nhất toàn thị trường với khối lượng lên tới 13,2 triệu cổ phiếu, bỏ xa ROS (khớp 8,6 triệu cổ phiếu).
Khối lượng khớp của TTB sáng nay chiếm khoảng 1/4 trong tổng số cổ phiếu TTB đang lưu hành trên thị trường (hơn 46,8 triệu đơn vị). Với mức tăng trần 350 đồng trên mỗi cổ phiếu lên 5.460 đồng, TTB đang chấm dứt chuỗi giảm sàn liên tục 11 phiên vừa qua.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá nhưng cách biệt không lớn. Thống kê có 286 mã tăng, 40 mã tăng trần, 244 mã giảm và 26 mã giảm sàn.
Chỉ số chính đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. SAB tăng 3.500 đồng, GAS tăng 1.400 đồng, VNM tăng 1.100 đồng, BHN tăng 1.000 đồng, VCB tăng 700 đồng, HPG, VRE, BID, CTG cũng đang “bật đèn xanh”.
Trên UPCoM, cổ phiếu MML của Công ty cổ phần Masan MEATLife hôm nay “chào sàn” nhưng đã gây bất ngờ khi giảm 8.100 đồng (tương ứng giảm 10,1%) xuống 71.900 đồng ngay trong buổi giao dịch đầu tiên.
Mức giá tham chiếu phiên “ra mắt” của mã lên tới 80.000 đồng tương ứng với định giá xấp xỉ 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
MML thời gian qua nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn từ giới đầu tư. Doanh nghiệp này hiện đang nổi lên là đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và kinh doanh thịt, trong đó, chuỗi giá trị thịt được hoàn chỉnh theo mô hình 3F với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng công suất 3 triệu tấn/năm.
Thương hiệu thực phẩm của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu khá tham vọng: Đến năm 2022 trở thành thương hiệu thịt mát đóng gói số 1 tại Việt Nam và chiếm 10% thị phần toàn quốc, doanh số đạt 1,5-3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế từ 200-450 triệu USD.
Tại Masan MEATLife hiện có 3 cổ đông lớn (nắm trên 5% cổ phần) gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) nắm giữ 79,32%, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm giữ 7,95% và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm 7,14%. Cơ cấu cổ đông nhìn chung khá cô đặc.
Trở lại với thị trường chứng khoán tuần này, giới phân tích đang có những nhận định ngược chiều. Sau đợt điều chỉnh mạnh vào tuần trước, VDSC cho rằng, việc tạo đáy có thể cần nhiều thời gian và thị trường đang dần lấy lại sự cân bằng. Nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét giải ngân vào các cổ phiếu mục tiêu trong những phiên điều chỉnh.
Tuy nhiên, chuyên gia từ SHS lại lạc quan tuần này, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là vùng kháng cự trong khoảng 970-980 điểm. Theo đó, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát diễn biến thị trường. Nhà đầu tư ngắn hạn nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể tiếp tục canh những nhịp hồi phục (nếu có) về vùng kháng cự trong khoảng 970-980 điểm để hạ một phần tỷ trọng.
Mai Chi