Vào những ngày này, không khí tại các làng nuôi cá chép đỏ trở nên nô nức, nhộn nhịp. Tiếng người mua kẻ bán, hò reo giăng lưới tát ao bắt cá; tiếng xe máy, ô tô của thương lái rầm rộ cả làng. Ai cũng tất bật, hồ hởi mong một vụ cá bội thu mỗi dịp ông Công, ông Táo cận kề.
Anh Lê Thanh Hà ở Cẩm Khê (Phú Thọ) cho hay, gia đình anh đã có truyền thống nuôi cá chép đỏ gần 20 năm. Năm nay, anh xuất bán khoảng 5 tấn cá chép đỏ phục vụ thị trường 23 tháng Chạp. Hiện cá đã được chuyển từ ao nuôi lên bể gom dần để chuyển đi đầu mối các tỉnh, khách không đặt sớm chỉ 5-10 ngày nữa là không còn hàng.
Ngay từ tháng 11 âm, các thương lái, khách quen đều đã liên hệ chốt số lượng cá, đặt cọc tiền trước. Nhiều mối buôn về tận nơi tham khảo để tìm chọn cá từ sớm. Tùy từng thời điểm mà giá cá chép đỏ lên xuống khác nhau. Như hiện tại, anh Hà đổ sỉ từ 1 tạ có giá 90.000 đồng/kg, loại từ 30-40-50 con/kg anh đều có tùy theo yêu cầu của từng khách hàng.
“Để có nguồn cá lớn cho dịp cúng ông Công ông Táo, tôi bắt đầu nuôi từ tháng 6, tháng 7 âm lịch. Nuôi 5-6 tháng rồi xuất bán đi thị trường khắp các tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa,... Thương lái không đặt sớm, chỉ đến Rằm tháng Chạp là cháy hàng, không có mà bán”, anh Hà nói.
Đặc biệt, cá chép vùng này có màu đỏ cờ sặc sỡ, khỏe mạnh, không có đốm, mỗi con to bằng khoảng 3 ngón tay vừa đẹp nên được nhiều thương lái về tận nơi tìm mua phục vụ khách hàng khó tính. Năm nay, đầu mối Hà Nội, anh chỉ nhận 2 đơn hàng của thương lái chuyên lấy số lượng lớn, còn lại anh đổ buôn đi các tỉnh khác, anh Hà chia sẻ.
Là một trong những hộ nuôi cá chép đỏ lâu năm trong vùng, gia đình ông Bùi Văn Hòa ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cũng đang bận rộn chuẩn bị những mẻ cá để phục vụ thị trường ông Công ông Táo cuối năm.
Do thời tiết khắc nghiệt, nắng hanh kéo dài nên con cá năm nay không to bằng mọi năm, sản lượng cá chép đỏ cũng giảm đi một phần. Như năm ngoái, gia đình ông có khoảng 2,5 tấn cá chép đỏ cung ứng ra thị trường, song năm nay lượng cá chỉ được khoảng 2 tấn. Thời điểm này, nhiều thương lái đã đặt cọc tiền mua cá từ sớm để tránh hết hàng dịp cận Tết.
“Từ tháng 8 âm lịch tôi đã phải xuống giống, nuôi mất 4 tháng. Đến 18-20 tháng Chạp, cá được đưa lên bể ép bắt đầu chuyển cho thương lái. Hiện tôi bán sỉ cá chép đỏ giá 70.000 đồng/kg, tương đương năm ngoái”, ông Hòa nói.
Tương tự, anh Trần Văn Chung ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cũng cho biết, đa số các mối buôn, đại lý đã liên hệ đặt hết trước 1-2 tháng, chỉ đợi qua Rằm tháng Chạp là họ về lấy chuyển đi các nơi tiêu thụ. Giá cá tùy từng thời điểm khác nhau, dao động 65.000-80.000 đồng/kg.
Năm nay, anh Chung nuôi được 3-4 tạ cá chép đỏ. Cá được chọn và phân loại từ to đến bé, trung bình từ 20-40 con/kg, do vậy giá tùy loại cũng khác nhau. Dự kiến, chỉ khoảng 1 tuần nữa số cá chép đỏ được thương lái đặt mua hết sạch. Cũng nhờ có vụ cá chép gối vụ này mà dịp Tết gia đình anh có thêm khoản thu khấm khá hơn, anh Chung chia sẻ.
Không chỉ cá chép thông thường, cái chép Koi Nhật cũng được nhiều gia đình ưu chuộng. Ông Vũ Công Học, chủ shop cá Koi Bác Hường, cho hay, ông đã chuẩn bị số lượng cá lớn chép Koi để phục vụ ngày 23 tháng chạp sắp tới. Đây là loại cá đắt tiền nhưng nhiều gia đình vẫn mua để cúng và thả mong nhiều may mắn trong năm tới.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Khổng Thế Hiệp, cán bộ nông nghiệp xã Yên Lập (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), tâm sự: “Cứ gần 23 tháng Chạp, từ đầu làng đến cuối làng đã tất bật người mua người bán từ khắp nơi đổ về mua cá. Năm nay, số hộ nuôi cá chép đỏ của làng Phủ Yên tăng khoảng 1/3 so với năm ngoái. Đây là vụ cá chỉ bán vào 1 dịp trong năm nhưng cũng đem lại thu nhập khá cho người dân”.
Theo anh Hiệp, do ảnh hưởng thời tiết nên năm nay cá chậm lớn hơn so với các năm, ước tính sản lượng cá chép đỏ của làng khoảng trên dưới 7 tấn. Tuy vậy, với kinh nghiệm ương cá lâu năm của người dân, thương lái từ nhiều tỉnh vẫn tìm về tận nơi đặt mua. Tùy từng thời điểm giá cá lên xuống khác nhau, nhìn chung không chênh lệch nhiều so với năm trước, dao động 70.000-80.000 đồng/kg.
Nhật Thanh