Doanh nghiệp giáo dục than điều kiện bất khả thi
“Cơ hội, dư địa trong ngành giáo dục rất lớn, nhưng phải tháo được nút thắt về điều kiện, thể chế”, bà Vũ My Lan, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Egroup nói tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển kinh doanh 2020 với chủ đề Cơ hội tăng tốc và bứt phá mới đây.
Bà Lan có cơ sở để khẳng định điều này, vì Egroup đang nộp đơn xin giấy phép đầu tư, nếu nhanh, thì dự án sẽ bước vào hoạt động ngay.
Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có được giấy phép này. Bà Lan nói, theo quy định, khi xin giấy phép đầu tư, doanh nghiệp phải nộp toàn bộ hồ sơ của các giáo viên đã ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi dự án xây dựng trường còn “nằm trên giấy”, chưa đi vào hoạt động thì làm sao có thể ký hợp đồng với giáo viên.
Như vậy, khả năng Egroup hoàn tất nhanh thủ tục gần như là không thể. Trong khi đó, thị trường này đang rộng mở với mức chi tiêu lớn. Báo cáo của HSBC vào năm 2017 cho thấy, các gia đình Việt Nam, nhất là thế hệ cha mẹ trẻ rất xem trọng tương lai giáo dục của con cái, dành 47% tổng chi tiêu gia đình cho giáo dục. Còn các doanh nghiệp tư nhân trong ngành như Egroup hiện chỉ mới tiếp cận đến mảng mà giáo dục “không có lợi thế hoặc không quan tâm”, đó là ứng dụng công nghệ vào giáo dục, trung tâm tiếng Anh, trung tâm phát triển năng lực tư duy, kỹ năng.
“Nếu đầu tư vào giáo dục các bậc học cơ bản, nhà đầu tư tư nhân có những bất lợi như không được tiếp cận nguồn đất đai, lực lượng giáo viên, cũng như những rào cản từ các quy định chưa hợp lý. Chẳng hạn, nếu muốn mở trường, nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu 1 học sinh cần có 6m2. Để đảm bảo tiêu chí trên, gánh nặng về đầu tư cơ sở vật chất rất lớn, dẫn đến học phí cao và đặt ra thách thức thu hút học sinh”, Tổng giám đốc Egroup nói.
Thực tế đáng lo ngại là không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục gặp khó. Theo số liệu của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách giảm liên tục trong 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp nói rằng, họ “không bao giờ” hoặc “hiếm khi dự đoán được thay đổi chính sách” tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018.
Doanh nghiệp hàng không khó vì cơ chế quản lý
“Ngành hàng không chỉ ước… bao giờ cho đến ngày xưa”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ về những nút thắt của ngành hàng không.
Đại diện này đánh giá, hệ thống cơ chế pháp luật trong ngành chưa thay đổi kịp yêu cầu phát triển, nhất là cơ chế quản lý đất đai, đầu tư khi có quá nhiều văn bản pháp luật chồng chéo.
Theo số liệu của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp nói rằng, họ “không bao giờ” hoặc “hiếm khi dự đoán được thay đổi chính sách” tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018.
“Muốn sân bay Phú Quốc thực sự trở thành cảng hàng không quốc tế thì phải có các dịch vụ hỗ trợ vận tải đi kèm, như đơn vị cung cấp suất ăn, xăng dầu… nhưng tất cả chưa biết cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện”, ông Cường lấy ví dụ.
Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách hàng không ước tính duy trì ở mức 10%. Tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì, dù có thể sẽ thấp hơn so với năm 2019 do chịu ảnh hưởng từ sự quá tải của một số sân bay chính.
Thậm chí, theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hàng không hấp dẫn nhất thế giới, có thể giữ mức trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 2017-2040. Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, các dự báo này đang thúc đẩy sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, từ đó sẽ kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, đồng thời kéo theo sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Dù vậy, viễn cảnh này đang bị nút thắt hạ tầng hàng không cản trở trong ngắn hạn.
Theo Báo cáo chiến lược năm 2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, tốc độ mở rộng công suất của các công trình kết cấu hạ tầng hàng không chưa tương xứng với mức tăng trưởng cao của thị trường đã dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều sân bay, đặc biệt là các sân bay lớn.
Ngoài việc nhà ga hành khách hàng tại các sân bay này đang phải hoạt động quá công suất thiết kế, quỹ lượt cất hạ cánh mỗi giờ khả dụng tại đây cũng là một hạn chế.
Kế luận trên của Rồng Việt được rút ra từ khảo sát tại Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất chiếm khoảng 40% lưu lượng hành khách hàng không cả nước, theo đó các hãng hàng không đã sử dụng hết các giờ bay khả dụng tại các khung giờ trong ngày của kỳ bay mùa Đông 2019/2020.
Ngoài ra, các đường cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều khả năng, những đường băng này sẽ phải tạm thời đóng cửa để bảo dưỡng trong năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của ngành.
Lúc này, doanh nghiệp đang cần cơ chế rõ ràng để quyết định đầu tư vào đâu và như thế nào...
Hồng Phúc