Doanh nghiệp gọi được vốn dài hạn với “lãi suất trong mơ”?

Doanh nghiệp gọi được vốn dài hạn với “lãi suất trong mơ”?
Chiều 15/01, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam có thông cáo về kết quả phân phối thành công đợt trái phiếu của một doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Đợt trái phiếu này trị giá 1,15 nghìn tỷ đồng, có lãi suất cố định 6,95%/năm với kỳ hạn 10 năm. Điểm đến là Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).
Kết quả trên trở nên đáng chú ý ở lãi suất, chỉ 6,95%/năm với kỳ hạn rất dài. Nếu ví von, mức lãi suất này “như trong mơ” với thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang vay vốn hiện nay.
So sánh đơn thuần về lãi suất, mức 6,95%/năm, đối với nguồn vốn huy động là VND, của một doanh nghiệp thấp hơn rất nhiều so với lãi suất trái phiếu của nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam phát hành thời gian qua.
Cụ thể, trong năm 2019, một số ngân hàng lớn của Việt Nam phát hành trái phiếu dài hạn, lãi suất phải trả phổ biến từ 8-8,5%/năm, thậm chí cao hơn.
Còn nếu so với lãi suất vay vốn VND loại dài hạn của doanh nghiệp tại các ngân hàng, lãi suất phải trả phổ biến từ 9-11%/năm.
Hoặc tương đồng cùng ở công cụ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải trả từ 10-14%/năm cho các kỳ hạn dài 5-10 năm.
So sánh trực quan trên cho thấy, doanh nghiệp vẫn có khả năng huy động được nguồn vốn lớn với chi phí có thể thấp hơn nhiều so với vay ngân hàng, có thể thấp hơn cả chi phí huy động vốn dài hạn mà ngân hàng phải trả qua công cụ trái phiếu.
Tuy nhiên, thông cáo của Standard Chartered Việt Nam không nêu chi tiết các cấu phần của đợt phát hành trên. Các điều khoản giữa các bên trong những thương vụ như thế này thường không công bố ra bên ngoài những cấu phần cụ thể.
Theo đó, mức lãi suất chỉ 6,95%/năm cho một nguồn vốn VND có kỳ hạn tới 10 năm không hẳn phản ánh đầy đủ chi phí doanh nghiệp phải trả. Triển khai kế hoạch này, doanh nghiệp thông thường phải trả thêm chi phí tư vấn, chi phí bảo lãnh, chi phí môi giới và phân phối, hoặc gián tiếp “trả” qua đan chéo các dịch vụ nào đó…
Bản thân tính chất cố định của mức lãi suất đó trong 10 năm cũng có thể tiềm ẩn rủi ro chi phí trong tương lai (giả dụ trong tương lai lãi suất vay VND kỳ hạn dài tại Việt Nam giảm xuống rất thấp).
Nhưng qua thương vụ này, một hướng đi đã và đang được định hình rõ hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam: thay vì tập trung vay vốn ngân hàng, họ có thể tiếp cận các nguồn vốn khác với chi phí có thể dễ chịu hơn, kỳ hạn dài hơn… nếu hội tụ được những yếu tố cần thiết.
Ở đợt phát hành trên, một yếu tố quan trọng là có tổ chức bảo lãnh - Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF), một quỹ đầu tư tín thác thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á được S&P đánh giá tín nhiệm hạng AA trên toàn cầu. Cùng đó là tổ chức phân phối Standard Chartered Việt Nam.
Ngoài ra, bên cạnh yếu tố lành mạnh, minh bạch, năng lực tài chính đáp ứng các điều kiện, thì điểm đến của nguồn vốn - tính khả thi và hiệu quả của dự án - cũng là điểm được chú ý.
“Đợt phát hành không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của Gelex mà còn hỗ trợ hiệu quả cho quá trình triển khai nguồn vốn cho dự án năng lượng mặt trời, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững các nguồn năng lượng trong nước”, bà Guiying Sun, Tổng giám đốc CGIF - đơn vị bảo lãnh, cho biết.
Như trên, với những cấu phần liên quan không được công bố chi tiết để định hình “tính chất trong mơ” của lãi suất nguồn vốn doanh nghiệp huy động được, nhưng con đường và hướng đi ở đây đã định hình.
Cụ thể, chỉ riêng trường hợp CGIF, đợt phát hành trên đã là lần bảo lãnh thứ 11 của họ cho trái phiếu phát hành bằng VND, với tổng giá trị các đợt phát hành quy đổi sang USD lên đến 692 triệu USD.

LAM GIANG

Tags: Lãi Suất Doanh Nghiệp Cgif Ngân Hàng Phát Triển Châu Á