Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tăng phiên thứ 4 và lập kỷ lục cao mọi thời đại mới trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam) sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giai đoạn 1 và cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu nóng lên.
Chốt phiên đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 100 điểm lên đỉnh cao 28.236 điểm; chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng thêm 0,7% lên gần 3.200 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,9% lên trên 8.814 điểm.
Với đà tăng này, TTCK nhiều khả năng sẽ ghi nhận một năm tăng điểm ấn tượng, với mức tăng từ đầu năm cho đến nay đều trên 20% đến trên 30%.
Nhóm các cổ phiếu công nghệ tăng ở mức mạnh nhất với kỳ vọng thỏa thuận giai đoạn 1 tiếp tục duy trì đà xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo Foxbusiness, phiên tăng điểm đêm qua cũng ghi nhận một kỷ lục chưa từng có: chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã tăng thêm 10.000 điểm, tương đương mức tăng hơn 54% kể từ khi ông Donald Trump thắng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hôm 8/11/2016.
Cũng khoảng thời gian đó, chỉ số S&P 500 cũng đã tăng hơn 46%.
Cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã chốt thỏa thuận giai đoạn 1 với việc Trung Quốc cam kết mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ, chấp nhận một số điều kiện liên quan tới sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, đổi lại Mỹ cắt giảm một phần thuế và không thực hiện vòng thuế mới dự kiến vào 15/12. Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký vào tháng 1/2020.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm cuối tuần cho biết lượng hàng xuất khẩu của Mỹ này sang Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong hai năm tới.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã đạt được một thỏa thuận thương mại với các nước láng giềng, Canada và Mexico.
Trên thế giới, các thị trường tài chính cũng vừa trải qua một tuần đặc biệt, không chỉ Mỹ-Trung hạ nhiệt mà khu vực châu Âu cũng diễn biến tích cực.
Thế giới thay đổi, ông Trump vào cuộc chơi mới
Triển vọng Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) sáng sủa hơn sau khi đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson thắng lớn với đa số áp đảo. Sau chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử chính trị nước Anh kể từ Thế chiến II tới nay, ông Johnson dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội mới ngay trước thềm Giáng sinh để thực hiện Brexit đúng thời hạn vào ngày 31/1 năm sau như đã hứa trước đó. Nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành Brexit sau hơn 2 năm nước Anh chìm trong khủng hoảng không lối thoát.
Tâm lý nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp tại nước này vọt 6.2% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kỳ vọng. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc cũng vọt 8% trong tháng trước.
Ở chiều ngược lại, giới đầu tư cũng thận trọng khi mà cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu nóng lên. Ông Trump nhận được sự ủng lớn từ dân chúng, nhưng chịu áp lực từ giới nhà giàu và báo chí Mỹ.
Hơn thế, thỏa thuận giai đoạn 1 trên thực tế cũng không được như kỳ vọng và chưa đủ để khôi phục hoàn toàn niềm tin doanh nghiệp hoặc tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu hoặc đầu tư. Trong khi đó, thỏa thuận giai đoạn 2 mới là gian nan.
Chính ông Lighthizer cũng cho rằng thỏa thuận thương mại vừa đạt được với Trung Quốc sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về dài hạn, mâu thuẫn Mỹ-Trung còn rất lớn và không chỉ là xung đột về thương mại. Chính quyền ông Trump sẽ phải giải quyết những vấn đề quan trọng nhất là chính sách trợ cấp doanh nghiệp nội địa, ép buộc chuyển giao công nghệ…
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 năm tới, ông Trump vẫn có lợi thế tuyệt đối với tỷ lệ 95% ủng hộ trong Đảng Cộng hòa và tỷ lệ cao trong dân chúng. Một đối thủ đáng gờm, tỷ phú Bloomberg, trong khi đó, có thể mất cơ hội giành chức Tổng thống với ông Trump bởi chỉ nhận được sự ủng hộ của 3% cử tri độc lập ủng hộ đảng Dân chủ, thấp hơn so với tiêu chuẩn đặt ra là 4% để tham gia vào vòng tranh luận quốc gia tiếp theo.
M. Hà