Sau khi VNindex trượt xuống mốc thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, TTCK phiên cuối tuần qua trước tác động tích cực của thông tin EVFTA được thông qua đã có phiên “hồi sinh” khi VN-Index đạt 938 điểm. Tuy nhiên, hoạt động của thị trường khá ảm đạm. Trong khi đó, dòng tiền đổ vào thị trường ít sôi động do tâm lý nhà đầu tư nao núng vì dịch bệnh.
TTCK ngày 17/2 đã “đóng” lại với VN- Index kết phiên sáng giảm 0,36%, đạt 934.07 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0,44 điểm và rơi về 109.3 điểm. Thị trường nghiêng về bên bán với 196 mã tăng và 332 mã giảm. Duy chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng xanh ngắt còn các nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may sau phiên bứt phá nhờ vào thông tin hiệp định EVFTA nay đã điều chỉnh trở lại với sắc đỏ tràn ngập.
Khối ngoại đã bán ròng gần 40 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng nhẹ 30 triệu đồng trên sàn HNX. Tới 14 h00, rổ VN30 nghiêng về sắc đỏ với 11 mã xanh, 17 mã đỏ và 2 mã đứng giá, ROS đi đầu trong danh sách các cổ phiếu có tỷ lệ sụt giảm cao nhất khi lao dốc hơn 6%, theo sau đó là VIC, MSN và NVL.
Trong tuần từ ngày 17 đến 21/2, có 10 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất là CTCP Công viên nước Đầm Sen (HOSE: DSN) với tỷ lệ 24%. Những năm qua, DSN luôn thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ hấp dẫn, bình quân đạt 62%. Năm 2020, tỷ lệ chia cổ tức của DSN lên đến 101%, cao nhất từ trước đến nay, giúp công ty lọt top 10 doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt cao 2019.
Nút thắt dịch Covid-19
Chiều 17/2, Công ty Chứng khoán SSI vừa có bản phân tích kỹ về thị trường và đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất bị tác động như nhóm hàng dệt may.
Nhóm phân tích của SSI nhận định: Dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sản xuất bắt đầu từ quý II/2020. Trên thực tế, không có nhiều công ty trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích trong dài hạn (sau 2 năm khi thuế suất giảm dần từ 12% xuống 0%), các công ty trong nước phải nỗ lực để tăng tỷ lệ sử dụng vải trong nước trong đơn đặt hàng từ doanh nghiệp thuộc EU. “Việc sản xuất vải trong nước luôn luôn là nút thắt trong ngành vì nhiều lý do, bao gồm tác động tiêu cực của việc sản xuất vải đến môi trường. Trong số các công ty sợi niêm yết trong nước, hiện tại không có công ty nào có thị phần xuất khẩu sang EU”, SSI cho hay.
Theo SSI, trong ngắn hạn, ngành Dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã gia tăng thời gian đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán, khiến việc sản xuất vải bị trì hoãn, ảnh hưởng đến xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, nhiều đơn hàng mà các công ty Việt Nam phải giao cho khách hàng bị chậm, điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty may mặc.
Thị trường chứng khoán mấy phiên gần đây đã phục hồi sau chuỗi ngày giảm sốc vì tâm lý lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid 19. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước thông tin về tỷ lệ tử vong vì dịch tại Trung Quốc cứ tăng lên mỗi ngày, khiến thị trường lại chùng xuống. Thực tế, câu chuyện thị trường tài chính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 không còn là câu chuyện của riêng nước nào mà quy mô ảnh hưởng trên toàn cầu.
K. HUYỀN - Q.NGA