Sự gián đoạn đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Thu Hòa
Theo đó, dịch virus Corona đang có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với SARS trước đây (giai đoạn 2002-2003). Tính đến sáng ngày 3/2, có 8 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Corona tại Việt Nam.
Về mặt kinh tế, Việt Nam trong những năm qua đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu/GDP chiếm tỷ lệ cao (196,6%). Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc cho đến ngày 8/2/2020 – đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Corona. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ những sự kiện nêu trên, ít nhất là trong ngắn hạn. Do vậy, SSI dự báo GDP quý 1 có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Chính phủ có thể sẽ cần các yếu tố hỗ trợ để giúp tốc độ tăng trưởng hồi phục trong nửa cuối năm nay, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm 2020.
Theo đó, SSI dự báo 9 ngành sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch virus Corona là dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, vảng biển – vận chuyển, dịch vụ sân bay và hàng không.
Trong đó, dù không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, do hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc, song, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Đối với ngành bán lẻ, SSI cho rằng lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona. Trong khi đó, tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống (chợ truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Nhu cầu tiêu dùng bia cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ virus Corona, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Ngành bia trong năm nay cũng chịu tác động tiêu cực từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của rượu bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng được dự báo sẽ giảm sút do xu hướng tiêu dùng bên ngoài có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ virus Corona. Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trong quý 1/2020.
Đối với ngành dầu khí, giá dầu Brent kết phiên ngày 30/1/2020 đã giảm 16% so với mức đỉnh tạm thời hình thành vào đầu tháng 1/2020. Giá dầu giảm được đánh giá là do những lo ngại của nhà đầu tư về nhu cầu dầu mỏ sẽ yếu đi tại Trung Quốc, nơi mà nền kinh tế đang và sẽ chịu ảnh hưởng bởi virus Corona.
Cũng vì tiêu dùng tại Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn do lo ngại dịch virus, các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chịu tác động xấu trong quý 1/2020. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lượng hàng vận chuyển qua cảng biển ở Việt Nam. Trong khi đó, thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người hạn chế ra ngoài trong thời gian sắp tới.
Tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus Corona, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Cùng với đó, các dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa và hành khách sẽ bị ảnh hưởng. Hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019 và con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế.
Virus Corona cũng tạo ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường trong ngắn hạn, do đó tác động tiêu cực đối với ngành chứng khoán. Nhưng nếu dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Do đó, SSI vẫn duy trì quan điểm trung lập đối với ngành chứng khoán trong cả năm 2020.
Trong khi đó, SSI đánh giá có 4 ngành có thể được hưởng lợi từ dịch virus Corona là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước và đánh giá trung lập đối với 10 ngành gồm ô tô, sữa, bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, thép, xi măng, phân bón.
Nguyễn Hiền