Dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ bị đội tới 4,5 tỷ USD
Hãng Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết hai bên sẽ ngồi lại để bàn thảo cách thức triển khai tiếp theo sau khi chi phí xây dựng tuyến đường sắt sử dụng công nghệ Shinkansen của Nhật Bản tăng từ 14,7 tỷ USD lên khoảng 19,2 tỷ USD (tăng tới 4,5 tỷ USD).
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt cao tốc dài 508 km được xây dựng nối trung tâm tài chính Mumbai với Ahmedabad, thủ phủ bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản vay trị giá 13,3 tỷ USD, các công ty Ấn Độ sẽ đảm đương việc xây dựng và tập đoàn East Japan Railway của Nhật Bản sẽ cung cấp tàu Shinkansen cũng như hoạt động đào tạo và bảo trì.
Việc thi công tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ vẫn dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2020. Tuyến đường sắt sẽ bao gồm 460 km cầu cạn, 26km đường hầm và 9 km cầu.
Tuy nhiên, kế hoạch đã gặp trở ngại lớn sau khi tính toán cho thấy ngân sách dự trù thấp hơn chi phí thực tế tới 4,5 tỷ USD.
Đường sắt cao tốc Nhật Bản cũng đội vốn khủng
Nhật Bản là quốc gia làm tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Shinkansen.
Theo ước tính ban đầu, chi phí xây dựng tàu shinkansen gần 200 tỷ yen (tương đương 1,8 tỷ USD) năm 1959. Tuy nhiên, con số thực tế bị đội lên gấp đôi với khoảng 400 tỷ yen (tương đương 3,6 tỷ USD). Tính ra, chi phí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này là 780 triệu yen/km (tương đương 7,16 triệu USD/km).
Singapore cân nhắc
Tại Singapore, dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur - Singapore được kỳ vọng là tuyến đường sắt dài 350km có tổng vốn đầu tư ước tính 12-15 tỷ USD, dự kiến khởi công năm 2019 và hoàn thành năm 2026.
Dự án hoàn thành sẽ nối Singapore với thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong hành trình 90 phút. Dự án này được công bố năm 2010, chính thức đồng ý triển khai năm 2013 và dự kiến hoàn thành năm 2026.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, dự án có nguy cơ bị xóa bỏ, với lý do lợi ích không lớn trong khi chi phí lại quá lớn. Câu chuyện này cho thấy, đường sắt cao tốc hiện nay trên thế giới chủ yếu ở những nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đức, Pháp… hay nước có địa chính trị đặc thù như Trung Quốc với diện tích rộng, di chuyển dài buộc phải có đường sắt cao tốc.