Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn 3% thiết bị chưa lắp đặt

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn 3% thiết bị chưa lắp đặt
Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dù khối lượng xây dựng đã hoàn thành nhưng vẫn còn 3% thiết bị chưa lắp đặt nên chưa thể khai thác...

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thiết kế với tần suất chạy tàu trung bình 3-5 phút/chuyến, cao điểm là 2 phút/chuyến

Ngày 20/12, đại diện Ban Quản lý đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khối lượng xây dựng và đang trong quá trình nghiệm thu từng phần.

Tuy vậy, dự án chưa thể đưa vào khai thác trong tháng 12/2019 do phần lắp đặt thiết bị mới đạt khoảng 97%, phần còn lại chưa lắp đặt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu. Vì vậy, tổng thầu dự án (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) phải hoàn thành trước khi dự án được nghiệm thu toàn bộ.

Cùng đó, để vận hành dự án, tổng thầu phải hoàn thiện đề cương, cũng như thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống và phục vụ nghiệm thu toàn bộ dự án.

“Việc vận hành hệ thống phải tuân thủ theo đề cương vận hành thử chi tiết do tổng thầu xây dựng, được các đơn vị quản lý dự án thẩm tra, phê duyệt. Tổng thầu đã trình đề cương, song cần bổ sung, hoàn thiện nên đến nay chưa được phê duyệt. Sau khi phê duyệt mới xác định thời gian bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày”, đại diện Ban Quản lý dự án thông tin và cho biết thêm, việc đánh giá an toàn hệ thống do tư vấn độc lập (Liên danh Apave-Certifier-Tricc) thực hiện.

Sau khi dự án nghiệm thu toàn bộ, được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống để khai thác sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội, trực tiếp là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khai thác, vận hành.

Thiết bị bên trong một nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh tư liệu

Về phía tổng thầu, đơn vị này cho biết, hiện dự án chưa được bàn giao nên các chi phí để duy trì vận hành thiết bị (như điện) do tổng thầu chi trả, khoảng 100 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, thời gian này tổng thầu cũng phát sinh các chi phí như: lương, thuê văn phòng, thuê nhà cho nhân lực của tổng thầu.

Trước đó, tại buổi họp báo quý III năm 2019 của Bộ GTVT, Bộ GTVT cho biết, từ lâu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được nhắc đến với tổng khối lượng tồn tại còn chỉ khoảng 1%. Tỷ lệ này liên quan đến việc hoàn chỉnh lại hệ thống, khắc phục khiếm khuyết, yêu cầu đúng với thiết kế, một số vấn đề liên quan đến hoàn thiện chỉnh trang Depot...

Nguyên nhân chậm phần lớn do việc chậm trễ của tổng thầu trong việc tập hợp hồ sơ liên quan đến linh kiện lắp đặt để đánh giá mức độ an toàn. Nếu làm đến đâu tập hợp hồ sơ đến đó sẽ rút ngắn được thời gian. Tuy vậy, tổng thầu lại làm hiện trường nhiều hơn, sau đó mới tập hợp nên rất mất nhiều thời gian.

Sau khi tất cả các thủ tục, hồ sơ liên quan đến thiết bị, linh kiện lắp đặt được hoàn thiện, việc vận hành không phải chạy đơn chiếc từng đoàn tàu như trước, Bộ GTVT yêu cầu tổng thầu cho chạy tích hợp, chạy toàn bộ hệ thống, từ quá trình mua vé, tần suất chuyến, thời gian dừng tại ga theo đúng thiết kế liên tục theo thời gian quy định (khoảng 20 ngày).

Huy Lộc

Tags: Đường Sắt Cát Linh Hà Đông Thiết Bị Chưa Lắp Đặt Chưa Khai Thác Đường Sắt Cát Linh Đường Sắt Cát Linh Chậm Tiến Độ Cát Linh - Hà Đông