EVN lãi gần 700 tỷ đồng
Theo thông tin được công bố chiều nay (18/12) Bộ Công Thương cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đ/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh. So với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 102,36 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện bao gồm khoản phân bổ số dư chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỷ đồng.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đ/kWh.
Theo công bố, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đ/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.
Năm 2018 các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện là khoản chênh lệch tỷ giá với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại.
“Sở dĩ EVN có lợi nhuận là năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2015 và năm 2017 với tổng giá trị hơn 3.090 tỷ đồng vẫn được treo lại và chưa tính và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018. Nếu phân bổ đủ các khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá điện trong năm qua, EVN sẽ không có lợi nhuận và bị lỗ”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực nói.
Số liệu Bộ Công Thương cũng cho biết, theo các quy định của Chính phủ về hỗ trợ giá điện cho các vùng đặc thù, năm 2019 ngành điện phải chi tổng cộng 296,11 tỷ đồng bù lỗ giá điện cho các xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Các chi phí bù lỗ này đều được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018.
Lãi 4 đồng/kWh điện bán ra, EVN sẽ gặp khó khăn
Trả lời câu hỏi, năm 2020 dự báo sẽ phải đối mặt với việc thiếu điện trong bối cảnh nhiều dự án điện của các tập đoàn như PVN, TKV bị chậm tiến độ và trách nhiệm thuộc về ai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, nếu năm 2020 nếu các đồng chí có trách nhiệm từ Chính phủ trở xuống sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế được các cơ quan có liên quan của Bộ Công Thương và EVN tính toán kỹ. Việc huy động nhiều điện dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn với tình hình tài chính của EVN.
Với sức ép chi phí tăng lên nhiều như vậy, theo ông Vượng, hiện cũng chưa thể có câu trả lời về việc có tăng giá điện trong năm 2020 hay không. Điều này do, để tăng giá điện sẽ phải có tính toán tổng thể chi phí giá thành và các yếu tố đầu vào của ngành điện.
“Với chi phí sản xuất giá điện hiện nay mỗi kWh làm ra, EVN chỉ có mức lãi 4 đồng/kWh. Vì vậy, nếu phải huy điện dầu rất lớn thì tình hình tài chính của EVN về lâu dài sẽ rất khó khăn. Từ nay đến 2025, dự báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc thiếu 7-8 tỷ kWh/năm. Vì vậy cần các giải pháp để các dự án điện không bị chậm tiến độ và triển khai các giải pháp tích cực khác để không bị rơi vào tình cảnh nguy cấp”, ông Vượng nói.
Bảo Vy