Tại buổi họp báo công bố kết quả "Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm tài chính 2019" sáng 14-2, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết triển vọng về lợi nhuận kinh doanh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam khá cao với tỉ lệ DN được dự tính có lợi nhuận kinh doanh năm 2019 là 65,5%. Mặc dù tình hình kinh doanh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang suy giảm thì Việt Nam vẫn có nhiều DN vững mạnh.
Với 63,9% DN tham gia khảo sát có định hướng mở rộng kinh doanh, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về tỉ lệ này. Lý do các DN Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là do kỳ vọng lớn về việc gia tăng doanh thu. Tuy nhiên, tỉ lệ này suy giảm so với năm ngoái, theo ông Takeo Nakajima, là do sự suy thoái nói chung của kinh tế thế giới.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nhìn tổng thể, các DN Nhật Bản vẫn tin tưởng và tiếp tục có mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết năm 2019, các DN đến Việt Nam khảo sát, tìm hiểu thị trường tăng 30%.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (trái), và ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội tại họp báo
Ông Takeo Nakajima cho biết các dự án được DN Nhật Bản quan tâm là dự án liên quan đến điện và thành phố thông minh. Các lĩnh vực DN Nhật Bản có thể đầu tư nhiều thời gian tới có thể chia làm 2 loại: DN sản xuất, gia công để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và DN đầu tư vào Việt Nam hướng vào thị trường nội địa Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường Nhật Bản; còn DN đầu tư vào Việt Nam hướng vào thị trường nội địa Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới như lĩnh vực tiêu dùng (Uniqlo), công nghệ thông tin (IT), công nghệ số, lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật môi trường, người Việt Nam quan tâm đến sức khoẻ - lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ được DN Nhật bản quan tâm. Ngoài ra, lĩnh vực du lịch đang được nhiều DN quan tâm, song do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có độ trễ hơn. Hằng năm 1,4 triệu du khách qua lại giữa hai quốc gia, đây là lĩnh vực rất tiềm năng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trong số 122 DN trả lời rằng có di chuyển địa điểm sản xuất trong thời gian tới, thì nguồn di chuyển là Trung Quốc với 62,7%, còn nơi di chuyển đến là Việt Nam với 42,3%, đứng vị trí số 1.
Ông Takeo Nakajima cho biết hiện nay, các DN có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam (hoặc một số nước khác) không phải là chuyển hoàn toàn cơ sở sản xuất, kinh doanh sang Việt Nam mà vẫn duy trì ở Trung Quốc và mở thêm cơ sở ở Việt Nam (hoặc một số nước khác), nhằm phân tán rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc. Có thể thời gian tới, có xu hướng nếu Trung Quốc gặp khó trong xuất khẩu thì nhiều DN sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam. "Đây cũng là một xu thế đáng chú ý"- ông đánh giá.
Cũng theo Trưởng đại diện văn phòng JETRO, Hà Nội, nguyên nhân của việc di chuyển địa điểm sản xuất không chỉ là tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay chi phí sản xuất ở Trung Quốc khá cao, nên có thể các DN Nhật Bản muốn phân tán rủi ro trong sản xuất kinh doanh do chi phí cao, và một trong các địa bàn được lựa chọn là Việt Nam
Chi phí nhân công rẻ không còn là lợi thế lớn nhất
Số DN Nhật Bản đánh giá lợi thế về môi trường đầu tư là quy mô và tính tăng trưởng của thị trường là nhiều nhất. Số DN đánh giá rằng chi phí nhân công rẻ là lợi thế đã giảm so với năm ngoái. Rủi ro về môi trường đầu tư là chi phí nhân công tăng và tỉ lệ nhân viên nghỉ việc cao.
Tỉ lệ thu mua linh phụ kiện, vật liệu nội địa là 36,3%, không thay đổi so với năm trước, tỉ lệ thu mua từ DN địa phương là 13,6% và có khả năng cải thiện hơn.
Các DN sản xuất tại Việt Nam phần lớn là xuất khẩu sang Nhật Bản. Tỉ lệ xuất khẩu sang Nhật Bản là cao nhất với 65%, tăng 2,6 điểm. Tỉ lệ áp dụng FTA và EPA tăng lên 54%. Các DN Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm đến việc cải thiện năng suất, đặc biệt là việc Việt Nam rất quan tâm đến việc ứng dụng robot để tăng năng suất; quan tâm lớn đến việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp địa phương và có được tành tích nhiều nhất về mảng này trong các nước ở Châu Á và Châu Đại Dương. Tốc độ tăng tiền lương có chậm lại so với trước đây nhưng vẫn ở mức cao là 7%, tuy nhiên, mức lương vẫn còn ở mức thấp.
D.Ngọc