Giá dầu WTI của Mỹ đã có ba tuần đi lên liên tiếp từ đầu tháng 12 đến nay, hiện ở vùng 60 USD/thùng, mức cao nhất từ giữa tháng 9 đến nay. Tính từ đầu quý IV/2019 đến nay, giá dầu WTI đã tăng gần 18%, trở thành một trong những kênh đầu tư mang lại suất sinh lợi lớn nhất trong quý cuối năm 2019. Còn nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá dầu WTI đang ghi nhận mức tăng trưởng hơn 36%.
Tương tự, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng 10% từ đầu tháng 12 đến nay, leo lên mức cao nhất trong ba tháng qua ở mốc 66 USD/thùng. So với thời điểm đầu tháng 10 cũng đang ghi nhận mức tăng 14%, còn nếu so với đầu năm tăng gần 27%.
Việc Mỹ - Trung có thể ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngay đầu năm 2020 được xem là chất xúc tác quan trọng, thúc đẩy giá dầu phục hồi mạnh trong những ngày gần đây. Nếu hoạt động giao thương giữa hai nước được cải thiện, tăng trưởng kinh tế có thể hồi phục tốt hơn, dẫn đến nhu cầu sử dụng dầu cao hơn.
Thực tế, những dữ liệu kinh tế Trung Quốc công bố gần đây cho thấy có dấu hiệu cải thiện tích cực. Ngoài ra, nhu cầu dầu trong quý IV cũng thường tăng mạnh khi vào mùa Đông tại các nước phương Tây, việc tiêu thụ dầu cao hơn.
Nếu xu hướng tăng của giá dầu tiếp tục được duy trì trong giai đoạn tới, khả năng sẽ gây áp lực lạm phát, không chỉ lên một số nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu này mà còn toàn thế giới khi giá dầu tăng có thể kéo một loạt giá các hàng hóa khác tăng theo. Việc ngân hàng trung ương nhiều nước thời gian qua liên tiếp cắt giảm lãi suất, bơm tiền cũng có thể góp phần tạo nền mầm mống cho thời kỳ lạm phát cao quay trở lại.
Nhìn về tương lai, khá nhiều tổ chức vẫn lạc quan về thị trường dầu mỏ trong năm 2020, khi sự tuân thủ cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng đen. Ngân hàng UBS gần đây đã nâng dự báo giá dầu trong năm 2020 từ 55 USD/thùng lên 60 USD/thùng trong quý đầu tiên và từ 58 USD/thùng lên 62 USD/thùng trong quý tiếp theo.
Một số chuyên gia phân tích, thậm chí còn dự báo giá dầu có thể chạm lại đỉnh cũ ở mốc 100 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, cũng như nguy cơ khủng hoảng có thể thúc đẩy dòng tiền chạy vào thị trường hàng hóa, điều từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng năm 2007 mà sau đó đẩy giá dầu lên tận mốc 147 USD/thùng.
Dù vậy, báo cáo của UBS cũng cho thấy đà tăng có thể bị hạn chế phần nào khi nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể vượt qua nhu cầu trong năm 2020, với việc thị trường dầu mỏ dư cung 0,3 triệu thùng/ngày trong năm tới. Còn báo cáo định kỳ hằng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cũng cho thấy, sản lượng dầu thô từ 7 mỏ dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ được dự báo tăng 30.000 thùng/ngày trong tháng 1 lên 9.135 triệu thùng/ngày.
Gia Lê