Các số liệu cập nhật về diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các quốc gia ngoài Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại sự lây lan nhanh của dịch bệnh có thể làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,3% xuống 52,18 USD/thùng. Giá dầu Mỹ giao kỳ hạn giảm 3,4%, xuống đóng phiên ở mức 47,09 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019.
Vào đầu tuần này, lần đầu tiên số liệu ghi nhận số ca nhiễm mới dịch COVID-19 tại các quốc gia ngoài Trung Quốc tăng vượt số ca ghi nhận tại chính nước này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/2 cảnh báo các quốc gia không nên mắc sai lầm trong việc giả định nước mình an toàn khỏi dịch COVID-19, trong bối cảnh chính phủ các nước, trong đó có Iran và Australia, đang chạy đua để khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Hoạt động giao dịch ảm đạm tại các thị trường dầu cho thấy giới đầu tư đã dự tính về một giai đoạn dư thừa nguồn cung kéo dài, với nhu cầu đối với “vàng đen” bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 đã lan sang các nền kinh tế lớn, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy.
Thị trường dầu đang dõi theo quyết định về chính sách sản lượng, dự kiến sẽ được Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, đưa ra tại cuộc họp vào ngày 5-6/3 ở Vienna (Áo). Các nước sản xuất trong và ngoài OPEC hiện đang cắt giảm nguồn cung khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày nhằm hỗ trợ cho giá dầu.
Consultants Facts Global Energy dự báo nhu cầu dầu năm 2020 sẽ tăng 60.000 thùng dầu/ngày - mức được coi là không tăng trên thực tế, do tác động kinh tế của dịch COVID-19.
Các nguồn tin thân cận cho biết Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ giảm nguồn cung cấp dầu sang Trung Quốc ít nhất 500.000 thùng/ngày trong tháng 3/2020 do nhu cầu lọc dầu tại đây sụt giảm vì dịch COVID-19./.