Giá thịt lợn trên thế giới đang tăng, không riêng Việt Nam

Giá thịt lợn trên thế giới đang tăng, không riêng Việt Nam
Trước tình hình giá thịt lợn những ngày gần đây lại tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, giá thịt lợn trên toàn thế giới đang tăng, không riêng Việt Nam.

Nông dân chăm sóc đàn lợn với mô hình nuôi bằng thảo dược để xuất chuồng phục vụ Tết nguyên đán sắp tới. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tình hình tái đàn cũng như việc đảm bảo cung ứng nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết sắp tới tại tỉnh Phú Thọ.

Trước tình hình giá thịt lợn những ngày gần đây lại có sự biến động tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, giá thịt lợn trên toàn thế giới đang tăng, không riêng Việt Nam, đặc biệt các nước trong khu vực như Trung Quốc đã tăng lên từ 150.000-170.000 đồng/kg, thậm chí có chỗ lên tới 300.000 đồng/kg và họ đã phải đấu thầu lô dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi tại các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines… đang diễn biến rất phức tạp với tỷ lệ chết cao. Điều này gây ra tình trạng tăng giá thực phẩm gay gắt khi cung và cầu chưa cân đối.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giá thịt lợn có tăng nhưng so với khu vực, thế giới chưa phải là quá cao.

Giải pháp nhập khẩu cũng cần đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, người chăn nuôi vì để có một ngành hàng thịt lợn như mấy chục năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và người nông dân đã phải chịu rất nhiều khó khăn, vất vả và cần đảm bảo lợi ích để họ có khả năng tái đàn, củng cố công nghệ.

Hiện không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đã rất quan tâm đến việc này và đưa ra nhiều giải pháp.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sau hơn 2 tháng chỉ đạo các địa phương tái đàn, nhiều tỉnh như Bình Định, Đồng Nai, Phú Thọ, Thanh Hóa… đã đẩy mạnh tái đàn và dự kiến sẽ có sản phẩm vào dịp Tết.

Đến nay, cả nước còn hơn 25 triệu con lợn. Mật độ tái đàn theo các tỉnh báo cáo khoảng 10% số lượng, cộng với gia cầm, gia súc, thủy sản phát triển mạnh.

Tuy nhiên Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải đặt việc phòng, chống dịch bệnh đặt lên hàng đầu.

“Nếu chỉ mải mê vào tái đàn, tăng đàn mà không chú trọng vào phòng, chống dịch bệnh sẽ rất nguy hiểm, kể cả thủy sản. Các tỉnh biên giới cần thắt chặt kiểm tra, giám sát, ngăn chặn lợn, sản phẩm thịt lợn qua biên giới. Đây cũng là giải pháp giúp ổn định nguồn cung, giá ở mức tương đối,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, ông Lê Tiến Dũng, khu 1, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba cho biết, đến nay trang trại với quy mô 400 con lợn thịt và 40 con nái của ông chưa hề bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ khi có dịch, ông không dám nhập con giống bên ngoài mà chỉ sử dụng con giống của trang trại.

Hàng ngày, ông đều phun sát khuẩn chuồng trại; thậm chí cả người, đồ vật trước khi đưa vào chuồng trại cũng phải sát khuẩn. Ngay cả thức ăn lấy về cũng phải sát khuẩn và chờ 2 ngày sau mới đưa vào cho lợn ăn. Từ nay đến Tết, ông dự kiến sẽ xuất chuồng khoảng từ 180-200 con lợn.

Qua kiểm tra tại Phú Thọ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao tỉnh đã thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, cũng như các chỉ đạo của ngành trong việc phòng chống dịch nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng.

Bằng chứng là trước khi có dịch Phú Thọ là địa phương có đàn lợn khá lớn, đứng thứ 7 cả nước, thứ 2 khu vực phía Bắc với gần 900.000 con, nhưng đến nay, số lợn buộc phải tiêu hủy do dịch chỉ có trên 57.000 con, chiếm 6,7% tổng đàn của tỉnh, trong khi trung bình cả nước là trên 21%. Tổng sản lượng lợn tiêu hủy 3.300 tấn, chiếm 2,6% tổng sản lượng, trong khi cả nước trung bình là 9%.

Gia thit lon tren the gioi dang tang, khong rieng Viet Nam hinh anh 1
Thịt lợn được bày bán tại siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: Vũ Hà/Vietnam+)
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ có 2/218 trang trại bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Điều đó cho thấy Phú Thọ đã làm rất tốt việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Việc kiểm soát, chăn nuôi an toàn sinh học từ côn trùng, vật tư đầu vào, nơi bán sản phẩm-thu tiền… cho thấy nếu làm tốt an toàn sinh học vẫn phát triển được đàn lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ cần đưa chăn nuôi vào quy hoạch. Ngành chăn nuôi sẽ có chiến lược mới, cùng với Luật Chăn nuôi có hiệu lực nên rất cần có quy hoạch để hướng đến chăn nuôi có nền nếp, bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng chăn nuôi bò thịt để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt để tăng nguồn cung thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, để có được kết quả trên lãnh đạo tỉnh đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó khăn.

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn mới đầu tư vào tỉnh, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm chủ đạo. Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mưu sinh, sinh kế, cuộc sống của nhiều hộ dân.

Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tái đàn nhưng cũng thường xuyên tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học./.
 

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)

Tags: Dịch Tả Lợn Châu Phi Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến Giá Thịt Lợn Chống Dịch