Đầu tuần này, giá vàng quốc tế đã có bước tăng giá khá tích cực khi vọt lên tới 1.747USD/oz, sau đó điều chỉnh, củng cố và giảm xuống 1.679USD/oz vào phiên cuối tuần.
Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, do các doanh nghiệp vàng phải tạm đóng cửa tất cả các cửa hàng để chung tay phòng chống dịch COVID-19, mà chỉ giao dịch trực tuyến, nên khối lượng giao dịch vàng đã giảm đáng kể. Theo đó, giá vàng miếng SJC dao động trong biên độ khá hẹp, sau khi lên 48,5 triệu VND/lượng, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm xuống 48,1 triệu VND/lượng ở phiên cuối tuần này.
Sở dĩ giá vàng quốc tế giảm mạnh ở phiên cuối tuần này do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch mở cửa dần trở lại nền kinh tế Mỹ theo 3 giai đoạn, mang lại kỳ vọng phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm Remdesivir- thuốc chữa trị COVID-19 của Công ty Dược phẩm Gilead Sience Inc (Mỹ) cho kết quả tích cực, khiến các nhà đầu tư tin rằng dịch bệnh này sẽ sớm được đẩy lùi. Do đó, các nhà đầu tư chốt lời vàng để đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản rủi ro, như chứng khoán...
Mặc dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn đang phát đi tín hiệu đáng báo động, trong đó doanh số bán lẻ tháng 3 sụt giảm tới 8,7%, hoạt động sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh khi PMI vẫn ở dưới 50 điểm, số đơn xin trợ cấp hàng tuần vẫn ở mức trên 5 triệu đơn…
Đáng chú ý nhu cầu vàng vật chất đang sụt giảm mạnh, vì kinh tế của nhiều nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ… đã và đang suy giảm mạnh vì dịch bệnh. “Mức tiêu thụ vàng của Ấn Độ trong năm 2020 có thể chỉ đạt 350- 400 tấn, so với mức 690 tấn năm 2019, đây là mức thấp nhất kể từ năm 1991”, ông Anantha Padmanaban, Chủ tịch Hiệp hội Đá quý và Vàng trang sức Ấn Độ nhận định.
Khi nhu cầu vàng vật chất sụt giảm mạnh, thì giá vàng sẽ bị tác động mạnh bởi nhu cầu đầu tư vàng, trong khi nhu cầu đầu tư đang bị chi phối mạnh mẽ bởi những thông tin liên quan đến dịch COVID-19. Do đó, giá vàng sẽ còn diễn biến phức tạp, tăng/giảm thất thường trong ngắn hạn.
Xét về trung và dài hạn, giá vàng vẫn có xu hướng tăng do áp lực lạm phát sẽ bùng phát mạnh khi các quốc gia trên thế giới đã và đang tung ra các gói kích thích kinh tế có tổng trị giá hàng chục nghìn USD trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của các nền kinh tế đang rất yếu vì dịch bệnh.
Ông Everett Millman, Chuyên gia phân tích cao cấp của Tập đoàn Gainesville Coins, cho biết trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá vàng cũng lên, xuống thất thường và chỉ bứt phá mạnh khi lạm phát tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng này. “Cho đến khi tất cả các nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại, thì giá vàng chưa thể vượt 1.800USD/oz”, ông Everett Millman nhận định.
Trong tuần tới, Mỹ công bố một số chỉ số quan trọng, như PMI sản xuất công nghiệp, đơn xin trợ cấp thất nghiệp, đơn đặt hàng hóa bền lâu… Theo dự báo, các chỉ số này vẫn kém khả quan, nên sẽ tác động tiêu cực đến USD và tác động tích cực đến giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, cú sụt giảm cuối tuần này đã khiến nhiều chỉ số phân kỳ âm, nhưng giá vàng vẫn vẫn nằm trên vùng mây Ichimoku ở biểu đồ 4h, ngày, tuần, tháng. Theo đó, nếu bị đẩy xuống dưới mức 1.650USD/oz, thì giá vàng có thể tiếp tục xuống vùng 1.607-1.617USD/oz, kế tiếp là 1.567USD/oz. Trong khi đó, mức 1.727- 1.750USD/oz, đang là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 20-24/4, trong số 1.683 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 1.144 người (68%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 305 người (18%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 234 người (14%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Ngọc Anh