Quán nhậu lo "sập tiệm" vì vắng khách...
Ngại đi nhậu vì sợ bị phạt nồng độ cồn
Anh Đỗ Quốc Bàn – Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị điện tâm sự: "Chưa năm nào tôi nhàn rỗi như năm nay. Mọi năm tới dịp cuối năm, tôi phải mời rất nhiều khách hàng đi tri ân, tặng quà và với nhiều khách hàng thân thiết thì sẽ phải nhậu nhẹt, ăn uống tới bến, thậm chí khách mời ngược lại cũng phải say sưa như thế. Nhưng năm nay, cả tôi và khách đều chẳng mặn mà với những lời mời, thậm chí có người trêu đùa “mời tôi thì mang theo 40 triệu đồng nữa đi nhé”.
Câu nói đùa nhưng thực tế sợ phạt đang ám ảnh không chỉ dân kinh doanh mà với tất cả những người có công việc trước kia phải dùng tới... bia rượu. Anh Bàn kể, trước đây mỗi lần đi nhậu hay tiệc tùng anh đều lái xe đưa vợ con đi cùng và bây giờ thì phải đi taxi nhưng gọi taxi sau khi nhậu cũng không hề dễ dàng. Ví dụ cách đây 1 tuần, anh tổ chức liên hoan cho công ty nhưng khi về thì đã không thể gọi xe do đường thì cấm taxi hoạt động, trong khi gọi Grab thì giá cắt cổ và còn không có đủ xe cho nhân viên lúc ra về.
Hôm ấy, sau khi nhậu xong có người phải bắt xe buýt và tận gần khuya mới về tới nhà khiến các cuộc nhậu giờ nếu muốn tổ chức cũng khó khăn và nếu có mời thì cũng chả ai... muốn tới. "So với năm ngoái, năm nay số cuộc nhậu của tôi đã giảm 60%. Tất niên hôm mời đối tác của công ty, nhiều người chỉ dám uống nước lọc. Nhiều chị em phụ nữ còn "nghênh ngang" cầm chai nước lọc đi mời anh em ra chừng "tửu lượng" cao lắm, khiến cánh mày râu vừa bực vừa buồn cười.
Cùng "nỗi buồn" tương tự, anh Bùi Thái Việt (41 tuổi, Hà Nội) tâm sự: Sinh nhật công ty anh vừa tổ chức và có mời thêm nhiều người tới dự. Kết quả ế nguyên hai bàn tiệc (bàn 10 người) vì nhiều người không tới, những người có mặt thì đều e dè nhấc ly rượu vang lên rồi lại đặt xuống. Thừa cỗ, buổi tiệc tàn nhanh khi cầm ly nước lọc lên lại đặt xuống gọi là nhấp nước để "đưa cơm", mà đi ăn tiệc thì mấy ai ăn mấy, uống là chính. Do đó, tiệc nhạt, tàn nhanh và chẳng ai muốn nói thêm câu gì chỉ có mấy chị em ra chụp vài tấm hình rồi đành... ai về nhà nấy.
Quán nhậu lo sập tiệm
Anh Tâm – chủ quán lẩu Tâm Béo (đường Trường Trinh, Hà Nội) chia sẻ: Hai tuần nay nhà hàng lẩu của anh vắng tanh khách nhậu, trong khi trước kia những ngày cuối năm này đặt bàn còn khó. Buổi tối trước kia các dãy bàn kín khách thì nay lèo tèo 1 hay 2 bàn, thậm chí có tối còn không có bàn khách nào.
"Khách đến ăn đã ít thì chớ, những người đến thì cũng chỉ uống nước lọc, nước ngọt khiến doanh thu không chỉ đồ nhắm giảm mạnh và số lượng bia rượu bán ra ế ẩm đến phát rầu. Nếu tình hình như này kéo dài, tôi sợ khó cầm cự được quán nhậu của mình đến qua Tết", anh Tâm buồn bã.
Thực tế, nhiều nhà hàng, quán nhậu đã phải cố gắng "khác phục" khó khăn bằng cách kết hợp có dịch vụ bố trí xe đưa người nhậu say về, nhưng khách ngại phương tiện để lại quán không an tâm. Ngoài ra, nếu có ham uống chút như ngày trước thì sợ ngày mai còn hơi rượu có khi vẫn bị phạt khiến nhiều khách vẫn không mấy mặn mà với chuyện đi nhậu như xưa.
Cùng nỗi lo phá sản, anh Vũ Ngọc Quý (Chủ quán nhậu ở phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Trước đây quán của anh lúc nào cũng đông khách, người nhậu buổi tối còn phải ngồi tràn cả ra vỉ hè. Nhưng từ khi có Nghị định 100, chỉ còn lác đác khách đến nhậu và đa phần người đến toàn... đi bộ.
"Doanh thu giảm 50%, nếu kéo dài tình trạng này thì chỉ cần tiền thuê địa điểm tôi cũng không đủ chi trả. Không biết chúng tôi trụ được khoảng bao lâu, nỗi lo ám ảnh phá sản trước Tết là hiển nhiên chứ chưa nói tới việc cầm cự qua Rằm tháng Giêng".
Nỗi lo của anh Quý, anh Tâm đang là nỗi lo chung của nhiều chủ nhà hàng, quán nhậu, nhất là những chủ quán phải thuê mặt bằng với chi phí lớn và có lượng nhân viên đông nay rơi vào cảnh ế ẩm thảm hại.
K. Chi