Tại Hội nghị trực tuyến vừa qua của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tới cho giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống mức 15-17% từ ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức thuế TNDN mà Bộ Tài chính đề xuất giảm là quá muộn và quá nhỏ so với các quốc gia trong khu vực.
Đề xuất không mới
Đề xuất nói trên của Bộ Tài chính là một tin vui đối với các doanh nghiệp nhỏ khi mà hiện họ vẫn đang phải chịu mức thuế suất TNDN là 20% như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đề xuất này không phải là mới, vì nó đã được đưa ra lần đầu tiên vào cuối tháng 3/2019 dưới dạng Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN hỗ trợ, phát triển DNNVV.
Lý do là suốt từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải chịu chung mức thuế suất 20% như các doanh nghiệp lớn. Trong khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
Vì thế, Bộ Tài chính đề xuất sẽ áp dụng thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Còn thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người…
Mức giảm quá ít
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính giảm thuế TNDN xuống 15-17% cho các DNNVV là “không cởi mở” bởi mức giảm là quá ít so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn, tại Indonesia, doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupiah (khoảng 7,85 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất thuế TNDN 1% tính trên doanh thu năm. Doanh nghiệp có doanh thu từ 4,8- 50 tỷ rupiah được áp dụng thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupiah…
Hay như tại Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20%, nhưng các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300.000 bạt trở xuống được miễn thuế, từ 300.001- 3.000.000 bạt được áp dụng mức thuế suất 15%...
Kết quả khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, gần 74% doanh nghiệp cho biết sẽ có nguy cơ phá sản nếu dịch kéo dài 6 tháng. Trong khi mức giảm thuế suất thuế TNDN mà Bộ Tài chính đề xuất là quá nhỏ và chỉ áp dụng cho các DNNVV, trong khi dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp.
Đó là chưa kể, chính sách này còn phải đợi Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới và nếu được thông qua sẽ áp dụng từ 1/7/2020. “Quá muộn! Chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ không kịp thụ hưởng được chính sách này vì không thể cầm cự được đến thời điểm đó do dịch COVID-19”, một chuyên gia cho biết và khuyến nghị Chính phủ cần trình Quốc hội giảm thuế TNDN mạnh hơn và sớm hơn.