Ảnh minh họa
Nhận diện nhiều thủ đoạn tinh vi
Liên tiếp trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Tiến Đạt, các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã phát hiện và xử lý một số vụ việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng trên bao bì ghi rõ xuất xứ Việt Nam. Mặt hàng theo khai báo là hàng mới, xuất xứ Trung Quốc, doanh nghiệp có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ; nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là các thương hiệu mạnh tại Việt Nam.
Về một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, nhóm hàng hóa bị làm giả nhiều đó là hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung. Khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng), mục đích nhằm bán hàng giả.
Hiện nay, một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả.
Theo ông Đạt, khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, hàng giả còn được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Đặc biệt, kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định được vi phạm.
Ngăn chặn hàng giả xâm nhập thị trường
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta.
Việc buôn bán hàng giả, hàng lậu trên địa bàn Hà Nội thường tập trung vào các điểm “nóng”, trong đó chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) là một trong những điểm “nóng” gây nhức nhối trong công tác chống buôn lậu dịp cuối năm. Theo thông tin lực lượng chức năng, gần như tất cả các mặt hàng vải vóc, quần áo thời trang “nhái” các thương hiệu lớn đều có ở chợ Ninh Hiệp. Các cuộn vải về đến đây đều được xé lẻ thành từng mảnh, từng tấm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để ngăn chặn có hiệu quả hàng giả, hàng nhái, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, rất cần sự vào cuộc của cả xã hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà gồm Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội, địa phương, khu phố cùng các tầng lớp trong xã hội để đẩy lùi nạn hàng giả. Bởi vì, hàng giả hay hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ đều phải có một địa điểm để sản xuất hay tập trung hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. Do đó, sự phát hiện, tố giác từ các tổ chức hay người dân sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.
Với các biện pháp mạnh từ các cơ quan chức năng, sự cảnh giác cao của người dân khi lựa chọn, mua bán hàng hóa, sẽ không còn “chỗ đứng” cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái..., thị trường tiêu dùng được lành mạnh hóa, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người dân nên tìm đến những địa chỉ uy tín để mua bán hàng hóa, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tránh mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường”, ông Linh nhấn mạnh.
Lưu Hiệp- Trần Hằng