Giảm giá mã khách vẫn vắng!
Lướt qua vài trang mạng bán vé máy bay mới thấy, chỉ trong vòng hơn một tháng, giá vé máy bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam đang từ đỉnh đã chạm sàn với mức giảm 5-6 lần. Lý do là nhu cầu di chuyển và đi du lịch của người dân đột ngột giảm mạnh. Ví dụ như hãng Vietjet Airways, chặng Hà Nội - Đà Nẵng, có giá chưa đến 1 triệu đồng vé khứ hồi (đã bao gồm cả mức thuế phí sân bay).
Cũng với chặng bay này, giá của hãng Bamboo Airways nhỉnh hơn, khoảng 1,3 triệu đồng, nếu bay Vietnam Airlines với dịch vụ đầy đủ, mức giá cũng chỉ 1,4 triệu đồng. Trong khi bình thường giá vé chặng này khoảng 3 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Phú Quốc cũng là một trong những chặng bay đắt khách giống như Hà Nội - Đà Nẵng, nhưng giờ cũng chịu chung số phận ế ẩm. Trước đây, vào những dịp cao điểm, giá vé chặng này lên tới 8 triệu đồng cho một cặp vé hạng phổ thông nhưng nay rớt giá thảm hại, chỉ hơn 2 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi.
Vé máy bay từ Hà Nội đi điểm nóng du lịch Nha Trang cũng chỉ khoảng 1,6 triệu đồng cho 1 cặp vé khứ hồi ngay cả khi bay vào cuối tuần. Bình thường chặng bay này có giá khoảng 5 triệu đồng/cặp.
Vé chặng Hà Nội - TP HCM cũng rẻ không ngờ, với hãng hàng không Vietnam Airlines giá vé chưa đến 1,2 triệu đồng cho 1 vé khứ hồi. Với Vietjet, giá vé khứ hồi chỉ còn chưa đến 1 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí), chỉ rẻ bằng 1/3 vé tàu hỏa khoang giường nằm có điều hòa cùng chặng.
Mặc dù có giá cả vô cùng “dễ chịu” như vậy nhưng xem ra vẫn không cải thiện được tình hình là mấy. Chị Lê Quỳnh Nga, một đại lý vé máy bay cho biết, sau nghỉ tết Nguyên đán cho đến nay chị vẫn chưa bán được tấm vé nào, thậm chí có nhiều khách hàng còn nhờ chị hủy chuyến do sợ dịch Covid – 19. Đây cũng là tình hình chung của thị trường vé máy bay trong gần 2 tháng qua.
Khó khăn sẽ còn kéo dài
Trong tình trạng “đóng băng” như hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đang có những báo cáo lên Cục Hàng không VN, Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành để có kế hoạch chi tiết giúp phục hồi thị trường vào năm 2021 và 2022. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, lần ảnh hưởng của dịch Covid-19 lớn hơn nhiều về mặt quy mô cũng như phạm vi so với dịch SARS năm 2003. Và việc ngừng đột ngột các chuyến bay đến Trung Quốc đã tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không, kể cả những hãng không có đường bay đến Trung Quốc như Bamboo Airways.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cũng khuyến nghị các hãng hàng không đàm phán với các nhà cho thuê máy bay để trả bớt máy bay cũng như đàm phán với các nhà sản xuất giãn tiến độ nhận hàng; Đẩy nhanh tiến độ bán máy bay theo kế hoạch. Vietnam Airlines cũng vừa ra thông báo cho thuê máy bay Airbus A321, A350-900, Boeing B787-9, B787-10 với thời gian thuê là 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020.
Cục Hàng không VN đã dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Cụ thể, nếu dịch hết trong tháng 4 tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.
Ở một kịch bản khác (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.
Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.
Không chỉ ngành Hàng không Việt Nam, Hàng không thế giới cũng đang chịu cảnh tụt giảm doanh thu.Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) vừa ra thông báo, 50 hãng hàng không đã cắt giảm đáng kể hoạt động, 70 hãng khác đã hủy hoàn toàn tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc đại lục. Ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm từ 4 - 5 tỷ USD xuất phát từ việc giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong quý đầu tiên năm 2020, tương ứng gần 20 triệu hành khách.
Phạm Thu Hà