Cuối năm, đặc biệt là giáp Tết Nguyên đán, hạt dẻ khá hút khách. Cũng chính vì được ưa chuộng nên một lượng lớn hạt dẻ từ Trung Quốc nhanh chóng tràn vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường và được gắn với nhiều mác khác nhau.
Chị Hằng, người bán hàng trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp, TP HCM) cho biết, lấy hạt dẻ ở Lạng Sơn. Mỗi lần nhập khoảng 3 tạ sống với giá 45.000-50.000 đồng một kg (chưa bao gồm phí vận chuyển). Do đó, chị bán giá 80.000 đồng mỗi kg. Không rõ về nguồn gốc xuất xứ nhưng chị kể, đơn vị nhập sỉ báo là hàng Sapa.
Cũng nhập cả tấn về bán, chị Loan ở chợ An Bình (Quận 5) cho biết, năm nay hạt dẻ Trung Quốc về nhiều hơn mọi năm. Đa phần người bán gắn mác Thái Lan cho dễ bán.
Chị thường bán sỉ với giá 55.000 đồng một kg, còn nếu bán lẻ đã rang sẵn là 80.000-120.000 đồng, tùy thời điểm. "Tết năm nay tôi dự định nhập thêm 2 tấn vì nhu cầu khách tăng cao. Hàng này đa phần được lấy từ chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) và gửi xe về Sài Gòn", chị Loan nói.
Là đầu mối chuyên sỉ hạt dẻ ở Lạng Sơn, anh Hòa vừa nhập khoảng 20 tấn phân phối cho các khách sỉ ở 2 miền Nam Bắc. Năm nay giá hạt dẻ thấp hơn so với mọi năm. Anh Hòa cũng cho biết, hạt dẻ Trung Quốc về Việt Nam đang chiếm tới 80% lượng hàng vì giá rẻ, chất lượng cũng ổn định.
Theo anh, các đầu mối gắn mác Sapa, Thái Lan để tăng giá bán chứ hàng này số lượng không nhiều. Hạt dẻ Sapa đa phần được người dân nhặt về để dành ăn chứ không bán. Còn hàng Thái Lan, giá cao nên ít đầu mối nhập. Trong khi đó, hạt dẻ Trung Quốc mẫu mã đẹp, bùi, ngon lại giá cả hợp lý nên người mua chuộng.
Một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện Sapa cũng có nhận định tương tự. Hạt dẻ Sapa thường chỉ có đầu đông cuối thu, tầm tháng 10,11 quả dẻ chín rụng. Do đó, theo vị này, đến nay không còn hạt dẻ để bán đại trà.
Hạt dẻ Trung Quốc to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và vỏ không có lông tơ. Khi luộc chín, mùi thơm nhẹ. Dù được đánh giá không ngon bằng hàng Sapa, giá hấp dẫn, dễ bán.
Ngoài được bày bán tràn lan trên ở các con đường, khu chợ, hạt dẻ còn được rao bán trên các trang mạng xã hội rầm rộ với giá phổ biến từ 50.000-120.000 đồng một kg. Hầu hết đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.