Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại Washington, DC, Mỹ, ngày 4/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Dẫn các nguồn tin thân cận từ hai chính phủ, tạp chí chính trị Politico đưa tin số hàng hóa nói trên bao gồm 4 nhóm sản phẩm: mặt hàng chế tạo (75 tỷ USD), năng lượng (50 tỷ USD), nông nghiệp (40 tỷ USD) và dịch vụ (35-40 tỷ USD).
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung dự kiến được ký vào ngày 15/1 tại Nhà Trắng. Toàn bộ tài liệu sẽ được công khai vào cùng ngày.
Hiện các chi tiết cụ thể của thỏa thuận “Giai đoạn 1” rất hiếm. Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận có đề cập tới các lĩnh vực khác trong hành vi thương mại của Trung Quốc, vốn là chủ đề gây bất bình lớn của người Mỹ, như sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, ngoại hối và giải quyết tranh chấp. Bản thỏa thuận được cho là cũng bao gồm các quy định về tiền tệ.
Vào ngày 13/1, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ được Washington công bố từ tháng 8/2019. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy xu hướng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế sau gần 18 tháng xung đột. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trong báo cáo nửa năm một lần trình Quốc hội rằng, đồng nhân dân tệ (NDT) đã mạnh lên và Bắc Kinh không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, “Trung Quốc đã đưa ra những cam kết có thể thực thi nhằm kiềm chế hành động phá giá mang tính cạnh tranh và không sử dụng tỷ giá hối đoái của họ vì những mục đích cạnh tranh”.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào nửa đầu năm 2018, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh đã từng bế tắc nhiều lần, tạo ra sự nghi ngại rằng liệu hai cường quốc kinh tế có muốn đạt được thỏa thuận "Giai đoạn 2" hay không.
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng các cuộc đàm phán cho thỏa thuận tiếp theo sẽ bắt đầu ngay lập tức, nhưng việc ký kết thỏa thuận có thể phải đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Hồng Hạnh