Bị cáo Phạm Nhật Vũ. Ảnh: Internet
Sáng 23/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo và phần bào chữa của các luật sư.
Theo thông báo của HĐXX, vì lý do sức khỏe, bị cáo Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch AVG - gửi đơn tới HĐXX, có xác nhận của bệnh viện về tình hình sức khỏe. Trong đơn, ông Vũ xin giữ nguyên các lời khai như trong kết luận điều tra, cáo trạng cũng như lời khai trước tòa.
Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Vũ, luật sư Trần Hoàng Anh cho rằng, hiếm có một vụ án nào mà gia đình bị cáo chưa có đơn xin khoan hồng thì đông đảo các tổ chức, cá nhân uy tín trong và ngoài nước đã có đơn xin bảo lãnh, khoan hồng như vụ án đang xét xử đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Theo luật sư Hoàng Anh, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ.
Các tổ chức, cá nhân có đơn xin khoan hồng có thể nói đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010); ông Konstantin Vasilievich Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Atkov Oleg Yurevich - Phi công vũ trụ, Giáo sư, Anh hùng Liên bang Xô-Viết; Thượng toạ, Tiến sỹ Manor Kumar - phó Trụ trì Thánh tích Bồ đề đạo tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn độ; Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi - nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản...
“Nội dung các đơn này đều khẳng định, trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.” - ông Hoàng Anh nói.
Cần áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ
Tiếp tục bào chữa, luật sư Trần Hoàng Anh cho biết, đến nay, ông Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố mà chỉ mong tòa xem xét chứng cứ khách quan thể hiện khởi đầu ông Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài; sau đó, do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, MobiFone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông để mua cổ phần của AVG. Đến nay, cũng không có chứng cứ nào thể hiện hai bên có sự hứa hẹn, thỏa thuận về việc biếu tiền hay quà gì.
Luật sư Anh trình bày, ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm, chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
“Thậm chí, để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng; mua lại số thiết bị, vật tư tồn kho của MobiFone với chi phí khoảng 120 tỷ đồng…” - ông Anh nói và cho rằng, thân chủ của ông hoàn toàn đáp ứng và cần được áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Viện Kiểm sát: Ông Vũ chủ động, tích cực khắc phục hậu quả
Trước đó, tại phần luận tội sáng 20/12, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra nhưng trước khi khởi tố vụ án, ông Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone.
Đồng thời, bị cáo Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ không xử lý trách nhiệm của ông Vũ về hành vi này.
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, bị cáo Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tình, thành phố cũng có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Do đó, theo VKS, với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3; khoản 1, 2, Điều 51 và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách giao luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, hơn 2.000 đơn thư, chữ ký của các cá nhân, tổ chức uy tín trong và ngoài nước xin khoan hồng cho bị cáo có thể được xem là bằng chứng củng cố thêm cho tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào đó, HĐXX sẽ có quyết định cuối cùng.
Khoản 2, Điều 51: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.
Tiến Nguyên