Khi điện đói khí

Khi điện đói khí
Tổng lượng khí cung cấp được chỉ khoảng 20 triệu m3/ ngày so với nhu cầu là 30,3 triệu m3/ ngày, cho thấy, rủi ro mất an ninh năng lượng đang treo lơ lửng phía trước.

Nỗi lo thiếu khí

Trong nỗ lực “tẩy chay” nhiệt điện than, nhiều địa phương như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận đã đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới (xem thêm tại đây)

Tuy nhiên, nguồn khí có đủ cung cấp để phát điện hay không lại là câu chuyện khác trong bối cảnh nguồn khí trong nước đã dần suy giảm và được dự báo sẽ cạn kiệt trong thời gian tới.

 

Điện khí đang đứng trước tình trạng thiếu nguồn khí để phát điện. 

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí không phải “muốn là được”, mà phải phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp khí, chưa kể rất nhiều yếu tố khác.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam có 7.200 MW điện khí, chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có 10 nhà máy với tổng công suất 5.700 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 2 nhà máy với tổng công suất khoảng 1.500 MW.

Dự kiến đến năm 2020, công suất nhiệt điện khí là gần 9.000 MW. Năm 2030, nhiệt điện khí tăng lên 19.000 MW.

Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và tình hình phát triển nguồn điện hiện nay thì trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, dự kiến nhu cầu khí cho phát điện trung bình sẽ rất cao từ 8,5-9,5 tỷ m3/năm trở lên.

Vấn đề là khả năng cung cấp khí luôn thấp hơn nhiều so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng nhiệt điện khí tăng lên, nhưng khả năng cấp khí lại đang suy giảm mạnh, nhiều nhà máy điện khí lâm cảnh “đói” khí.

Cuộc làm việc giữa Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi tháng 11 năm nay đã cho thấy tình hình cấp khí rất đáng lo ngại. Khi đó, Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn cho biết, nếu tiếp tục huy động khí ở mức cao như các năm trước đây, PV GAS dự báo sẽ thiếu khí cấp cho Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 từ giữa năm 2022.

Nếu tính tổng nhu cầu khí cho phát điện cho các nhà máy ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ thì cần khoảng 30,3 triệu m3/ ngày.

Trong khi đó, từ giữa năm 2018, các mỏ lô 06.1 và 11.2 đã có hiện tượng suy giảm rõ rệt và tình trạng này trở nên đặc biệt căng thẳng trong năm 2019. Tổng lượng khí cung cấp được hiện nay từ cả hai nguồn chỉ khoảng 20 triệu m3/ ngày, so với mức nhu cầu là 30,3 triệu m3/ ngày.

Điều này có nghĩa, khả năng cung cấp khí đốt cho phát điện chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu.

Một cán bộ trong ngành điện cho biết: Việc thiếu khí lô 06.1 và 11.2 sẽ ảnh hưởng tới việc hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với các nhà máy điện BOT. Nếu duy trì sản lượng khai thác khí từ lô 06.1 và 11.2 như hiện nay, thì sẽ thiếu khí cho các nhà máy điện BOT từ năm 2023. Dự kiến tổng lượng khí thiếu cho các nhà máy điện BOT cho đến khi hết hợp đồng vào năm 2025 là trên 3 tỷ m3.

Thông tin từ EVN cho biết, để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với các nhà máy điện BOT, từ ngày 01/01/2020 PVGas sẽ chỉ cung cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam Bộ tối đa khoảng 13,5 triệu m3/ngày. Trước đó từ ngày 13/10/2019 sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ cũng đã bị giảm xuống còn 2,5 triệu m3/ngày (trong trường hợp không thống nhất được giá mua khí bổ sung từ Petronas - một công ty dầu khí thuộc sở hữu của Malaysia).

Có nghĩa, tổng lượng khí cấp trung bình 1 ngày cho phát điện từ cả hai nguồn khí Đông Nam bộ và Tây Nam Bộ dự kiến chỉ còn khoảng 16 triệu m3/ngày, thấp hơn so với hiện nay từ 4-5 triệu m3/ngày, tức là chỉ đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu phục vụ phát điện giai đoạn từ 2020 trở đi. Riêng trong năm 2020, tổng lượng khí dự kiến cấp cho phát điện chỉ khoảng 6 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Cấp khí càng ngày càng khó

Tính từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện là 7,96 tỷ m3, chưa đáp ứng được nhu cầu huy động tối đa của các nhà máy.

Mặc dù trong năm 2021 - 2022, Việt Nam có thể được bổ sung sản lượng từ các nguồn khí mới (mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt), nhưng điều chắc chắn phải đối mặt là giá khí sẽ cao hơn các nguồn khí hiện nay. Tất yếu điều này sẽ tác động tới việc sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện, đến giá điện.

Theo Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương, khả năng cấp khí tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ được duy trì ở mức sản lượng như hiện nay đến hết năm 2022. Từ năm 2023, sản lượng khí cấp về bờ sẽ bị suy giảm mạnh (Lô 06.1 dừng khai thác vào tháng 5/2023) và bắt đầu thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.

Với tổng công suất các nhà máy điện khí giai đoạn 2030 khoảng 19.000 MW sẽ cần khoảng 22 tỷ m3 khí, trong đó khoảng gần 50% là từ nguồn khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.

Theo dự báo kế hoạch cung cấp khí cho phát điện, khả năng cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ dự kiến từ 6,5-7,5 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2020-2023, tăng lên trên 9 tỷ m3/năm trong 02 năm 2024-2025, và giảm dần trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, khả năng cấp khí trong giai đoạn 2020 - 2030 lại phụ thuộc nhiều vào tiến độ các nguồn khí mới như Sao Vàng – Đại Nguyệt, các dự án đường ống Nam Côn Sơn giai đoạn 2, cảng LNG Thị Vải và khả năng khai thác các mỏ hiện hữu do đã bước vào giai đoạn suy giảm.

Trước những khó khăn ấy, EVN và PVGas đã xây dựng các phương án cấp khí nhanh cho khu vực Đông Nam bộ từ nguồn khí hóa lỏng (LNG). Song, trước mắt, để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2020 (ưu tiên cung cấp điện trong mùa khô), EVN đã đề nghị PVGas duy trì cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ ở mức 18,38 triệu m3/ngày (tương tự như đã thực hiện trong năm 2019); đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Petronas, đảm bảo lượng khí cấp cho các nhà máy điện Cà Mau - khu vực Tây Nam bộ như hiện nay, ở mức khoảng 4,18 triệu m3/ngày.

Rõ ràng, bên cạnh căng thẳng về cung ứng than, việc thiếu khí cho phát điện sẽ là nỗi lo không nhỏ, nhất là trong bối cảnh thiếu điện ngày càng cận kề. Vậy nên, việc nhiều địa phương từ chối nhiệt điện than, chỉ chấp nhận điện khí cũng sẽ là một áp lực không nhỏ cho việc cung cấp khí thời gian tới.

Lương Bằng

Tags: Nhiệt Điện Điện Khí Nguồn Khí Nhà Máy Điện Khí Công Suất