Kho bạc Nhà nước chủ động cải cách công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.
Theo đó, trong những năm qua, KBNN đã nỗ lực trong cải cách công tác quản lý ngân quỹ trên tất cả các mặt, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ về quản lý NQNN. Qua đó, hoàn thiện nghiệp vụ gửi có kỳ hạn NQNN tại các ngân hàng thương mại được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, gắn với quản lý rủi ro thông qua quy trình, tiêu chí lựa chọn các ngân hàng thương mại. Đồng thời, điện tử hóa quy trình, góp phần tăng cường cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng thương mại trong nhận tiền gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi, rút ngắn thời gian thực hiện.
Thực hiện Thông tư số 12/2014/TT-BTC ngày 13/3/2019 của Bộ Tài chính quy định chi phí sử dụng NQNN của ngân sách nhà nước sửa đổi mức chi phí từ 0,21%/tháng xuống 0,10%/tháng. Quy định này góp phần giảm chi phí vay nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương khi tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước, gắn kết quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý nợ.
Đồng thời KBNN triển khai Thông tư số 58/2014/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Theo đó, công tác quản lý ngân quỹ tiếp tục chuyển sang một bước phát triển mới, theo thông lệ của những nước phát triển với việc tập trung toàn bộ số dư tiền gửi thanh toán tại NHNN.
Thứ hai, KBNN phát triển đồng bộ các công cụ quản lý ngân quỹ theo thông lệ chung và phù hợp điều kiện Việt Nam. Qua đó, KBNN đã thiết lập hệ thống tài khoản thanh toán tập trung tại Ngân hàng Nhà nước và 5 hệ thống ngân hàng thương mại. Trong đó, đã tập trung NQNN phân tán tại hơn 700 tài khoản của KBNN địa phương về trung ương, giúp KBNN nâng cao khả năng thanh toán, tiết kiệm nguồn lực tài chính và tạo nguồn lực tập trung để sử dụng NQNN hiệu quả hơn.
Thứ ba, gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ, chính sách tài khóa thông qua điều hành khối lượng huy động vốn gắn với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, khả năng thu của NSNN và khả năng NQNN nhàn rỗi.
Khi NQNN thặng dư, giải ngân đầu tư công chậm hoặc thu NSNN đạt tốt, KBNN chủ động báo cáo Bộ Tài chính giảm, giãn tiến độ huy động vốn trên thị trường. Đồng thời, sử dụng biện pháp tạm ứng từ NQNN cho ngân sách trung ương để bù đắp bội chi, giảm nhiệm vụ phát hành TPCP năm 2019 giúp tiết kiệm chi phí phát hành, gắn kết quản lý ngân quỹ và quản lý nợ, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ của Chính phủ và hạn chế tăng mặt bằng lãi suất
Thứ tư, hỗ trợ tích cực NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Với việc triển khai Thông tư số 58/2014/TT-BTC ngày 30/8/2014 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, toàn bộ số dư NQNN không kỳ hạn đã được tập trung tại Ngân hàng Nhà nước. Đây là một bước đi tích cực của Bộ Tài chính, trong chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ, kiểm soát cung tiền của nền kinh tế, chủ động điều hành lãi suất, tỷ giá, giúp giảm chi phí trong điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, thông qua công cụ điều hành NQNN đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
T. Anh