Mức tiêu thụ càphê toàn cầu tăng trung bình 2,1% mỗi năm. (Nguồn: customsnews.vn)
Cùng với các nông sản như bông hoặc cacao, càphê là loại hàng hóa được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ.
Giá càphê được các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng theo dõi chặt chẽ bởi lẽ sự thay đổi giá nông sản này sẽ thay đổi cách các nhà bán lẻ tính phí cho một tách càphê - loại đồ uống nóng phổ biến thứ hai trên thế giới sau trà.
Theo số liệu của tổ chức Fairtrade International, mỗi ngày có 1,6 tỷ tách càphê được tiêu thụ trên toàn cầu với khoảng 125 triệu người đang phụ thuộc vào việc trồng và kinh doanh càphê.
Còn theo Tổ chức càphê Quốc tế (ICO), mức tiêu thụ càphê toàn cầu tăng trung bình 2,1% mỗi năm trong thập niên qua và giá trị xuất khẩu càphê đạt khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Dù có sự phục hồi trong những tháng cuối năm 2019, song thị trường càphê nhìn chung chưa đáp ứng được kỳ vọng của giới phân tích.
Sự phục hồi bất ngờ vào cuối năm
Năm 2019, giá của một pound (0,45kg) càphê Arabica có lúc giảm xuống dưới mốc 1 USD, tức là chỉ bằng 1/3 mức giá cao kỷ lục ghi nhận hồi năm 2011 là khoảng 3,06 USD/pound.
Hồi tháng Năm, giá của mặt hàng nông sản này đã rơi xuống mức thấp 87 xu Mỹ/pound và chỉ mới phục hồi quanh mức 1 USD/pound kể từ cuối tháng 10.
Một trong những lý do cho giá càphê ở mức thấp là sự suy yếu của đồng nội tệ real của Brazil so với đồng USD.
Điều này không khó hiểu khi Brazil là nước xuất khẩu càphê lớn nhất thế giới, trong khi mặt hàng này được định giá bằng đồng USD. Việc đồng real phục hồi sẽ giúp nâng giá càphê, nhưng hiện tại đồng tiền này vẫn đang “lơ lửng” gần mức thấp nhiều năm so với đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, sau đó giá càphê đã tăng hơn 25% và khi kết thúc tháng Mười Một, giá càphê Arabica trên thị trường New York đứng ở mức 1,13 USD/pound.
Còn theo ICO, lần đầu tiên trong 12 tháng qua giá càphê theo Chỉ số tổng hợp của tổ chức này (ICO Composite Indicator) đã duy trì được mức trên 1 USD/pound trong toàn bộ tháng 11.
Các thương nhân nhận định sự phục hồi ngoạn mục trên là do vụ thu hoạch càphê thất bát ở Honduras, nhà sản xuất càphê Arabica lớn thứ ba trên thế giới. Hồi đầu tháng 11, Chính phủ Honduras đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán nghiêm trọng đã dẫn đến 80% diện tích gieo trồng bị thiệt hại ở một số khu vực, trong đó bao gồm những vùng trồng càphê chính của nước này.
Ngoài ra, nỗi lo về bệnh gỉ sắt cũng đe dọa các trang trại càphê Honduras. Đây là một dịch bệnh lây lan nhanh trong điều kiện khí hậu khô nóng và có thể "âm thầm" hủy hoại toàn bộ các trang trại càphê.
Bên cạnh đó, việc kho dự trữ càphê của Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE) giảm 78.000 bao (1 bao = 60kg) trong thời gian gần đây cũng tạo ra những biến chuyển trên thị trường càphê vốn một thời gian dài chứng kiến hoạt động bán ra nhiều hơn mua vào.
Ông Rodrigo Costa, Giám đốc phụ trách giao dịch ở Công ty chuyên về xuất khẩu càphê Comexim USA, cho biết các thương nhân nhận định sự sụt giảm kho dự trữ càphê của ICE là dấu hiệu các nhà đầu tư có tổ chức đang đẩy mạnh mua vào và qua đó kích thích hoạt động này trên thị trường.
Đà tăng có thể kéo dài sang năm 2020?
Thực tế cho thấy những dấu hiệu cho sự phục hồi của giá càphê đã xuất hiện từ trước. Ngay hồi đầu tháng Mười, khi giá càphê đang ở gần mức thấp trong nhiều năm, công ty trồng càphê lớn nhất Brazil là Cooxupe đã lên tiếng cảnh báo về khả năng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng trong thời gian tới.
Tình hình tệ tới mức Cooxupe đã hết sạch nguồn càphê trong tháng Mười nên không thể giao hàng cho người đặt. Khi đó, Giám đốc thương mại Lucio Dias của công ty này đã lên tiếng rằng giữa lúc các quỹ vẫn bán ra ồ ạt các hợp đồng càphê trên sàn giao dịch New York, thị trường thực tế đang cạn nguồn cung mà nhu cầu vẫn khá mạnh. Ông bày tỏ lo lắng không biết thế giới sẽ tìm nguồn cung càphê từ đâu trong sáu tháng tới.
Trên thị trường hàng hóa nông sản, rất ít yếu tố kích thích tăng giá lớn như những mối quan tâm về nguồn cung. Giới quan sát cho rằng sự kết hợp giữa sản lượng suy giảm theo chu kỳ tại Brazil trong niên vụ 2019/2020 và tình hình thời tiết khô hạn gần đây trên khắp khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp sức cho giá càphê Arabica giao kỳ hạn.
Vào tháng 11, ICO dự báo sản lượng càphê thế giới trong niên vụ 2019/2020 có thể giảm 0,9% xuống còn 167,4 triệu bao, trong đó tổng sản lượng Arabica sẽ là 95,68 triệu bao - mức thấp nhất kể từ niên vụ 2015/2016.
Trong khi đó, sự gia tăng dân số trên toàn thế giới cùng thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển tại khu vực châu Á đồng nghĩa với việc nhu cầu cơ bản đối với càphê sẽ tiếp tục tăng theo mỗi năm.
Một yếu tố khác sẽ được giới chuyên gia theo dõi sát sao là tình hình cạnh tranh của các chuỗi càphê tại thị trường Trung Quốc trong năm 2020 và lâu hơn nữa. Starbucks, với một kế hoạch đầy tham vọng cho thị trường này, đã mở 600 cửa hàng mới tại Trung Quốc trong năm 2019.
Công ty cũng muốn đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng mới trong năm 2020 với mục tiêu cuối cùng là sở hữu thêm hàng ngàn địa điểm mới trong những năm tới.
Nhưng đối thủ đáng gờm của Starbucks tại Trung Quốc là Lukin Coffee cũng không chịu đứng yên. Để đối phó với sự “bành trướng” của Starbucks, chuỗi càphê nội địa này đang mở rộng với tốc độ tương đương tám cửa hàng mới mỗi ngày.
Rõ ràng một cuộc đua chiếm lĩnh thị trường càphê ở quốc gia đông dân nhất thế giới có thể ảnh hưởng đến giá càphê. Suy cho cùng, trận chiến này bao gồm hàng ngàn cửa hàng bán càphê nhắm đến hàng trăm triệu người tiêu dùng.
Bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược của Starbucks và Lukin Coffee, bao gồm tăng tốc hoặc làm chậm đà mở rộng của họ, đều có thể được phản ánh trong giá và nhu cầu càphê thế giới.
ICO dự báo thị trường thế giới sẽ ghi nhận mức thiếu hụt khoảng 502.000 bao trong niên vụ 2019/2020 và điều này có thể đẩy giá càphê lên cao hơn nữa.
Theo ước tính của ICO, giá càphê Arabica có thể ở mức 1,2425 USD/pound vào tháng 5/2020 và giá càphê Robusta dự kiến sẽ ở mức 1.424 USD/tấn./.
H.Thủy