Lãi suất cao
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc với lãi suất 9,1%/năm cho kỳ hạn 6 năm và lãi suất 9,3%/năm cho kỳ hạn 8 năm. Chỉ với số tiền tối thiểu 100.000 đồng, khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi do SHB phát hành.
Trước đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất được Ngân hàng TMCP Bản Việt phát hành ngày 19/8, lên đến 9,5%/năm kỳ hạn 24 tháng, 9,8%/năm kỳ hạn 36 tháng, 10%/năm kỳ hạn 48 tháng và 10,2%/năm kỳ hạn 60 tháng.
Để huy động vốn trung dài hạn, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chọn cách phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn biểu lãi suất tiết kiệm thông thường để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi.
Mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi mà SHB vừa phát hành là cao nhất trên thị trường hiện nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn 0,5 điểm % vào nửa cuối tháng 11 vừa qua và một loạt ngân hàng TMCP giảm lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, mức lãi suất trên chỉ dành cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo chưa rõ lãi suất sẽ như thế nào. Phía SHB cho hay con số này sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá, do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân. Người sở hữu chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng lãi suất, được thanh toán tiền gốc khi đến hạn và được quyền cho, tặng, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành.
Nếu so sánh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện nay, cao nhất trên thị trường là 8%/năm, thì rõ ràng mua chứng chỉ tiền gửi năm đầu được hưởng lãi suất cao hơn hẳn. Tuy nhiên, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi của SHB sẽ không thể biết được mức lãi suất cụ thể các năm tiếp theo là bao nhiêu, trong khi kỳ hạn lại quá dài.
Hơn nữa, chứng chỉ tiền gửi thường không được rút trước hạn nên khách hàng cần cân nhắc. Nếu người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi muốn rút tiền trước hạn phải thế chấp cho ngân hàng để vay với lãi suất rất cao. Chẳng hạn, cá nhân thế chấp chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 năm, lãi suất 9,1%/năm, ngân hàng sẽ cho vay lại với lãi suất gấp 1,25-1,5 lần, tính ra lãi suất cho vay khoảng 11,5%-13,5%/năm. Tuy chứng chỉ tiền gửi được phép chuyển nhượng cho người khác, nhưng hiện nay thị trường gần như không có người mua.
Vì vậy, cần tính toán cẩn thận, không chỉ nhìn vào mỗi lãi suất cao của năm đầu tiên.
Tiết kiệm còn hấp dẫn?
Lãi suất gửi tiết kiệm từ cuối tháng 11 đến nay đã giảm, tuy nhiên mức giảm không đáng kể, vẫn còn rất hấp dẫn. Khảo sát hơn 10 ngân hàng TMCP nhỏ trong tháng 12 cho thấy, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của các ngân hàng phổ biến từ 6,8%-7,9%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 6,9%-7,96%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 7,3%- 8%/năm. Với lãi suất như hiện nay, khách hàng có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng các kỳ hạn 6-12 vẫn được hưởng lợi, nhất là tại các ngân hàng TMCP nhỏ.
Lãi suất tiết kiệm thời gian tới dự báo khó có thể giảm mạnh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhóm ngân hàng TMCP nhỏ vẫn sẽ dẫn dắt về lãi suất trong thời gian tới. Những ngân hàng này vốn yếu về thanh khoản, hệ thống phòng giao dịch ít và không rộng khắp, sẽ phải huy động với lãi suất cao. Hiện tại, lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP nhỏ cao hơn hẳn nhóm ngân hàng lớn từ 1-1,5 điểm %/năm.
Không những thế, các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh huy động vốn. Nếu lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm, khách hàng có thể sẽ chuyển hướng đầu tư. Lãi suất giảm sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, đẩy giá chứng khoán lên. Giá chứng khoán và lãi suất luôn luôn ngược chiều nhau. Nếu lãi suất đồng loạt giảm 1% thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Vì vậy, có thể chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu để hưởng lợi lớn hơn.
Ngoài ra, khi lãi suất giảm cũng sẽ tác động đến tỷ giá. Giảm lãi suất có nghĩa giá trị của tiền đồng so với đô la Mỹ có thể giảm. Nếu lãi suất giảm mạnh sẽ chuyển hướng sang đầu cơ ngoại tệ có lợi hơn.
Hơn nữa, thị trường trái phiếu DN đang phát triển. Ngày càng có nhiều DN phát hành trái phiếu, bởi quy định rất thông thoáng, thay cho vay vốn từ ngân hàng. Nhiều trái phiếu DN có lãi suất từ 11%-14%/năm, cũng là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm nếu lãi suất gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nữa.
Ngoài ra, việc ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao sẽ gây sức ép khiến các ngân hàng đang huy động tiết kiệm kỳ hạn dài, phải duy trì mức lãi suất hấp dẫn, để tránh bị mất thị phần. Vì vậy, lãi suất tiết kiệm sắp tới sẽ khó giảm mạnh.
Trần Thủy