Khi dịch virus corona bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) tháng trước, ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức liên tiếp 3 cuộc họp trong 3 tuần liên tiếp để đối phó với khủng hoảng.
Trong cuộc họp hôm 13/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả cuộc chiến chống dịch virus corona đang bước vào “giai đoạn quyết định” dù nước này đã có những bước tiến tích cực trong việc ngăn chặn dịch bệnh, theo Tân Hoa Xã.
Ông Tập khẳng định dịch virus corona sẽ không thể ngăn được Trung Quốc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và mục tiêu tăng trưởng dài hạn của đất nước.
“Đây là năm cuối cùng để chúng ta hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện”, ông Tập nhấn mạnh. Ông nói toàn bộ lãnh đạo các cấp chính quyền phải giữ vững ổn định kinh tế và hòa hợp xã hội để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Thách thức lớn với chính phủ Trung Quốc
Cuộc họp lần này diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Tập gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Khi đó, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc “có khả năng, sự tự tin để giành chiến thắng toàn diện trước dịch bệnh”.
Ông Tập nói các điều kiện cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc không thay đổi vì dịch virus corona. "Tác động của dịch bệnh chỉ là ngắn hạn và Trung Quốc sẽ không sợ hãi trước các vấn đề và khó khăn hiện tại", ông Tập quả quyết.
South China Morning Post bình luận với tuyên bố này, ông Tập muốn gián tiếp bác bỏ những câu hỏi và nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về triển vọng kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch virus corona.
Dịch virus corona khiến một phần nền kinh tế Trung Quốc tê liệt và giới chuyên gia quốc tế dự báo các biện pháp hạn chế dòng di chuyển của du khách và hàng hóa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.
Nhiều khả năng khu vực tư nhân - nguồn tăng trưởng và tuyển dụng lao động lớn nhất của Trung Quốc - sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Hạn chế tác động kinh tế của dịch virus corona sẽ là thách thức lớn nhất đối với chính phủ Trung Quốc trong năm nay. Ông Tập không nói rõ các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của chính quyền Bắc Kinh. Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ được chính quyền công bố trong cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 3.
Giới phân tích quốc tế cho biết chính quyền Trung Quốc cần duy trì tỷ lệ tăng trưởng ổn định để đạt được mục tiêu "xây dựng xã hội thịnh vượng toàn diện", còn được gọi là các "mục tiêu thế kỷ".
“Mục tiêu thế kỷ” khó thành sự thật?
Thách thức tiếp theo được đặt ra bởi sự bùng phát là nó có thể làm giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế trong năm nay, và do đó đe dọa tầm nhìn lớn của Bắc Kinh đối với đất nước.
"Xây dựng xã hội thịnh vượng toàn diện" là bước cần thiết để Trung Quốc trở thành "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại" năm 2035 và "quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh" năm 2050.
Để đạt được mục tiêu "xã hội thịnh vượng", tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào cuối năm 2020 sẽ gấp đôi so với năm 2010. Các nhà kinh tế tính toán rằng Trung Quốc phải đạt được mức tăng trưởng tối thiểu 5,6% trong năm. Nếu không có dịch virus corona, mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ dưới 5,6%. Goldman Sachs cho rằng GDP Trung Quốc sẽ sụt xuống 5,2%, UBS dự đoán ở mức 5,4% và Moody 5,3%.
Theo CNBC, nhà phân tích kinh tế Bing Nam Ye của Bank of China International tại Bắc Kinh thậm chí cho rằng trong trường hợp xấu nhất, tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm xuống còn 0-3% trong quý I và cả năm chỉ đạt 5%.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng về triển vọng lâu dài, kinh tế nước này sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc, lạc quan tin tưởng tác động của dịch sẽ hạn chế.
Ông Lu nhấn mạnh đến sự hồi phục mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch SARS hồi năm 2003. “Chúng ta là một nền kinh tế lớn và dồi dào. Việc tạm thời trì hoãn vài tuần không ảnh hưởng quá lớn? Hoạt động sản xuất vẫn có thể bù đắp trong những tháng tới khi dịch bệnh được chặn đứng”, ông nói.
Thêm vào đó, ông Lu còn cho rằng thiệt hại từ trong lĩnh vực dịch vụ có thể thấp hơn dự kiến. Người tiêu dùng hạn chế đến rạp chiếu phim hay ăn uống ở nhà hàng thì sẽ chi tiêu nhiều hơn thông qua dịch vụ trực tuyến.
Giới quan sát nhận định đây là thử thách lớn đối với Trung Quốc khi nước này quyết thực hiện “giấc mơ thịnh vượng". “Trung Quốc đã chịu đựng vô vàn khó khăn, nhưng khó khăn và thử thách càng lớn, sức mạnh và khả năng chiến đấu của chúng ta càng mạnh mẽ hơn”, ông Tập nói.
An Chi