Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về ATTP
Hình thành chuỗi cung ứng an toàn
Báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 20 vụ) với 1.950 người mắc (giảm 717 người), 1.874 người đi viện (giảm 464 người) và 8 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp.
Các bộ, ngành, địa phương đã thành lập 21.811 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 427.842 cơ sở, phát hiện trên 65.000 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 12.000 cơ sở với tổng số tiền 43 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đình chỉ lưu hành 169 sản phẩm, tiêu huỷ sản phẩm của gần 3.000 cơ sở. Trong công tác thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, Bộ Y tế đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiện sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương đã kiểm tra, xử lý 5.649 vụ việc về vi phạm ATTP, phạt tiền 14,6 tỷ đồng, thu giữ tang vật trị giá 20,7 tỷ đồng; xử lý 2.179 vụ vi phạm về thương mại điện tử kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, xử phạt 16,6 tỷ đồng, thu giữ 40,5 tỷ đồng giá trị hàng vi phạm…
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 7.410 vụ việc về ATTP, vi phạm pháp luật có hàng hoá là thực phẩm (tăng 1.234 vụ); khởi tố 140 vụ, phạt hành chính 43,7 tỷ đồng (tăng 13,8 tỷ đồng).
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 1.492 chuỗi (tăng 396 chuỗi so với năm 2018); 2.381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm) và 3.267 điểm bán (tăng 93 điểm).
Việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn với 1.492 chuỗi, 2.381 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm, thu hút sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty và một số tập đoàn lớn.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, những chất cấm “nóng” vào các năm trước như Sabutamol, Clebuterol thì năm nay đã không phát hiện mẫu nào. Tỷ lệ dư lượng kháng sinh trên mẫu thuỷ sản được kiểm nghiệm giảm còn khoảng 1,2% so với từ 3 đến 4% trước đây.
Song, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra rằng, với nông, thuỷ sản xuất khẩu, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh được kiểm soát rất chặt, đặc biệt ở các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, đối với hộ nuôi trồng nhỏ lẻ, tiêu dùng trong nước vẫn có tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc, không có tên.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng phải dựa vào xây dựng chuỗi nông sản an toàn, hoạt động tuyên truyền, tập huấn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, chính quyền cơ sở.
Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, tập trung vào các vấn đề chính như tình trạng thực phẩm nhập lậu; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng hóa chất kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát các cơ sở giết mổ… “Phải đi trực tiếp, lấy mẫu chất cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc mà người dân đang sử dụng về kiểm nghiệm, xác định rõ, có biện pháp ngăn chặn ngay từ nguồn cung”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu quyết liệt trong việc quản lý, xử lý các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, phản cảm trên mạng xã hội, truyền hình… gây bức xúc trong dư luận; rà soát lại các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành về các loại thực phẩm chức năng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Đánh giá cao các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương không để có hồ sơ tồn đọng trong việc xem xét, công nhận các trung tâm kiểm nghiệm ATTP, Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ này ngoài công bố danh mục trên website cần tích hợp địa chỉ các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm trên bản đồ số Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ: Công Thương, NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin về ATTP.
“Chúng ta đã làm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn khắp nơi, nhiều trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt chuẩn hoàn toàn có thể kết hợp với nền tảng bản đồ số Việt Nam để khi tra vào một làng, xã nào thì sẽ xuất hiện địa chỉ những gia đình, cơ sở bảo đảm ATTP, từ đó tạo phong trào thi đua giữa các hộ dân để đạt chứng nhận ATTP”, Phó Thủ tướng gợi ý…
Minh Ngọc